Bài học kinh nghiệm quy hoạch phát triển đô thị vệ tinh trong quy hoạch chung xây dựng phát triển Hà Nội

Từ bài học kinh nghiệm phát triển đô thị vệ tinh của các nước trên thế giới và thực tiễn phát triển đô thị vệ tinh Hà Nội thì sẽ rút ra được những bài học để chúng ta có thể quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh của Hà Nội một cách tốt nhất.

Bối cảnh hình thành các đô thị vệ tinh Thủ đô Hà Nội

Trong quá trình phát triển từ sau hoà bình lập lại 1954, Hà Nội đã 4 lần điều chỉnh địa giới, 7 lần có quy hoạch chung được duyệt, đã có lần được định hướng phát triển theo mô hình “chùm đô thị” với đô thị trung tâm và đô thị đối trọng.

Quá trình phát triển đô thị Hà Nội, theo từng giai đoạn có những yêu cầu phát triển khác nhau về an ninh quốc phòng, về kinh tế, về hạ tầng xã hội đã đưa ra các giải pháp về điều chỉnh địa giới gắn với các khu vực Sơn Tây, Xuân Hòa, Xuân Mai, Sóc Sơn. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, các khu vực chưa được hình thành theo quy hoạch, tuy nhiên có thể xem là những nghiên cứu bước đầu về quy hoạch đô thị vệ tinh của Hà Nội sau này.

Quá trình thực hiện QHC 1998 đã thấy rõ hơn những tồn tại về: Mối quan hệ với vùng Thủ đô; Áp lực dân số, hạ tầng kỹ thuật vào trung tâm Hà Nội; Yêu cầu bảo vệ môi trường và hài hoà giữa phát triển với bảo tồn.

Đến năm 2008, Hà Nội đã mở rộng địa giới lên 3.344km2 và QHC cho Thủ đô đến 2030 đã được nghiên cứu và Thủ tướng phê duyệt tại quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011. Quy hoạch đã định hướng và khẳng định Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm: đô thị trung tâm, 05 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai, trục hướng tâm.

Đô thị trung tâm phân cách với đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (vành đai xanh, nêm xanh, công viên). Điểm thấy rõ nhất trong cấu trúc đô thị lần này là các đô thị vệ tinh gắn kết với đô thị trung tâm nhưng có chức năng riêng, đặc thù để cùng thực hiện vai trò là Thủ đô, bao gồm:

  • Đô thị vệ tinh Hoà Lạc: Có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo với dân số 0,6 triệu, diện tích đất xây dựng đô thị 18.000ha.
  • Đô thị vệ tinh Sơn Tây: Văn hoá lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ đào tạo, y tế với dân số 0,18 triệu, đất xây dựng đô thị 4.000ha.
  • Đô thị vệ tinh Xuân Mai: Dịch vụ – Công nghiệp hỗ trợ, tiểu thủ công dịch vụ thương mại, đào tạo, dân số 0,22 triệu, đất xây dựng đô thị 4.500ha.
  • Đô thị vệ tinh Phú Xuyên: Công nghiệp, đầu mối giao thông. Các khu cụm công nghiệp dân số 0,12 – 0,13 triệu, đất xây dựng đô thị 2.500 – 3.000ha.
  • Đô thị vệ tinh Sóc Sơn: Công nghiệp, dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm y tế, giáo dục, dân số 0,25 triệu, đất xây dựng đô thị 5.500ha.

Như vậy, các đô thị vệ tinh đều có chức năng hỗn hợp, song vẫn có chức năng đặc thù, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ đô thị trung tâm. Qua 5 năm thực hiện định hướng trên, đến nay đã phê duyệt QHC 04 Đô thị vệ tinh (riêng Hoà Lạc đang hoàn chỉnh trình Thủ tướng duyệt).

Tổng quan cho thấy đây là cơ hội để phát triển Hà Nội bền vững, có sức cạnh tranh, xứng tầm với vai trò, vị thế là Thủ đô. Mô hình phát triển Hà Nội theo chùm đô thị với 05 đô thị vệ tinh là giải pháp kết tinh từ quá trình đã phát triển, từ kinh nghiệm của thế giới và dự báo bối cảnh phát triển trong tương lai.

Định hướng phát triển đối với đô thị trung tâm

Theo Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng thủ đô Hà Nội và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, định hướng đối với Đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội:

Mô hình cấu trúc phát triển

Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, được liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng Thủ đô và Quốc gia.

Đây là mô hình phù hợp với xu hướng chung của các nước đang phát triển, phù hợp với thực tế phát triển của Thủ đô Hà Nội hiện nay và tương lai. Đổi mới cấu trúc đô thị từ “Đơn cực” sang “Đa cực”, Thủ đô Hà Nội – mô hình chùm đô thị.

 Hướng phát triển không gian

Đô thị trung tâm phát triển theo mô hình đô thị hai bên sông với sông Hồng là trục cảnh quan chủ đạo, khai thác các không gian mặt nước để tạo hình ảnh đô thị. Các khu vực phát triển mới sẽ được chia thành các khu vực đô thị tương đương quy mô 1 quận được phát triển thành các dự án đồng bộ, đóng vai trò là các trung tâm phát triển mới trong hệ thống đa trung tâm của thủ đô.

Khu vực nội đô lịch sử được phân thành các khu vực mang dấu ấn của các thời kỳ phát triển của thủ đô như khu vực Hoàng Thành Thăng Long, khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực ven Hồ Tây, các khu tập thể cũ, khu vực phát triển mới… để có những giải pháp bảo tồn và ứng xử chuyên biệt giúp bảo vệ được các giá trị di sản kiến trúc, cảnh quan đô thị và những không gian văn hóa lối sống được hình thành trong quá trình lịch sử.

Khu vực nội đô mở rộng phát triển chủ yếu dọc theo đường vành đai 3, là khu vực phát triển chủ yếu trong những giai đoạn gần đây, có không gian đô thị khá lộn xộn, thiếu quản lý, phần lớn là nhà ở do dân tự xây cần phải từng bước cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Cực động lực phát triển Hà Nội trong vùng đô thị trung tâm

Khu vực đô thị phía Nam Sông Hồng

  • Đây là khu vực đô thị đã và đang phát triển theo hướng lan tỏa ra các phía, đặc biệt là khu vực đô thị mới Tây Nam. Việc kiểm soát phát triển tại khu vực đô thị cổ, đô thị cũ nhằm điều tiết hạn chế gia tăng mật độ trong khu vực, cải tạo chỉnh trang đô thị, đồng thời bảo vệ các di sản văn hoá đô thị và cây xanh, mặt nước theo trục hoặc mảng.
  • Các khu vực phát triển mới tập trung chủ yếu về phía Tây – Tây Nam. Bên cạnh các yêu cầu hình thành các khu ở mới, hiện đại, cao cấp theo hướng xây dựng cao tầng, việc đầu tư phát triển một quần thể trung tâm dịch vụ – du lịch – thương mại (như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình,…) có đẳng cấp quốc gia, quốc tế là hướng cần thúc đẩy mạnh.

Khu vực đô thị phía Bắc Sông Hồng

  • Khu đô thị Bắc sông Hồng là dự án phát triển khu đô thị mới lớn nhất của Thủ đô (hiện thuộc huyện Đông Anh), trong đó hạt nhân phát triển là khu vực trung tâm thương mại – đô thị (khu vực Phương Trạch) và một tổ hợp trung tâm gắn với sự phát triển một đầu mối giao thông quốc gia tổng hợp và trung tâm dịch vụ hàng không, đô thị hàng không tại khu vực Nội Bài.
  • Đô thị Sóc Sơn nằm tại khu vực phía Bắc theo hướng trở thành đô thị phát triển các dịch vụ công nghiệp gắn trung tâm đào tạo nghề, dịch vụ du lịch sinh thái, khu vực bảo vệ rừng – mặt nước, bố trí một số các công trình đầu mối hạ tầng cho đô thị và hơn nữa là quĩ đất dự trữ phát triển.
  • Khu đô thị phía Bắc thể hiện sự tham gia với vị thế trung tâm của Thủ đô và của Vùng Thủ đô Hà Nội vào không gian hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội – Quảng Ninh, tạo những tổ hợp lớn về dịch vụ giao thông, công nghiệp, thương mại…, nối kết với các khu vực phát triển lân cận của Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Nam Thái Nguyên.

Phát triển các trung tâm quan trọng

Để hướng tới là một vùng đô thị có vị thế trong khu vực, thủ đô Hà Nội cần đầu tư phát triển các dịch vụ có đẳng cấp quốc gia – quốc tế, có vai trò tạo cực phát triển mới, thúc đẩy cải thiện chất lượng đô thị hoặc thúc đẩy sự hình thành các khu vực đô thị mới, giảm sức ép về phát triển đối với khu trung tâm cũ. Một số trung tâm lớn có thể dự kiến về vị trí như sau:

  • Trung tâm chính trị – hành chính quốc gia: tại vị trí Ba Đình với ý nghĩa lịch sử – địa chính trị quan trọng của quốc gia.
  • Trung tâm hành chính, văn hóa của Hà Nội: Trung tâm chính của đô thị, với các chức năng chính trị, hành chính, văn hóa… của thành phố Hà Nội có yêu cầu gắn với đô thị, có thể giữ nguyên vị trí trong đô thị cũ tại khu vực hồ Hoàn Kiếm hoặc phát triển mới tại trung tâm Tây Hồ Tây hoặc trung tâm Khu đô thị Bắc Sông Hồng.
  • Tập trung phát triển khu vực cụm cảng hàng không Nội Bài và đô thị vệ tinh Sóc Sơn trở thành mô hình đô thị chuyên ngành: đô thị hàng không.
  • Các trung tâm cấp quốc gia và vùng  như trung tâm hội nghị, hội thảo, triển lãm, hội chợ quốc gia – quốc tế,  trung tâm thể dục – thể thao, văn hóa – giải trí, dịch vụ khách sạn – du lịch, trung tâm thương mại – tài chính, bưu chính – viễn thông, các trung tâm văn phòng… đều hướng tới có đẳng cấp dịch vụ quốc tế, trong đô thị trung tâm có thể hình thành theo hệ đa trung tâm, hỗn hợp các chức năng tạo thành quần thể thương mại – tài chính – văn phòng…tại cả ba khu vực đô thị, trong đó có các quần thể chính (1) tại phía Tây Nam Hà Nội, (2) tại trung tâm Bắc Sông Hồng và (3) tại trung tâm khu đô thị phía Đông Sông Hồng (có thể sử dụng đất khu sân bay cũ).
  • Trục không gian kết nối khu vực trung tâm nội đô Hà Nội với Nội Bài, đô thị Sóc Sơn: Tuyến đường Võ Nguyên Giáp sẽ trở thành trục động lực và hạt nhân trung chuyển mang tính đột phá không chỉ đối với TP Hà Nội mà tác động tới vùng đô thị hạt nhân trung tâm: TP Hà Nội – Đô thị Bắc Ninh – Đô thị Vĩnh Phúc.
  • Các trung tâm y tế, giáo dục, các trường – trung tâm đào tạo… cấp quốc gia của vùng và của Thủ đô cần giảm đầu tư mở rộng, chủ yếu nâng cấp các cơ sở hiện tại, thúc đẩy hướng dịch các hệ thống nhánh, hoặc xây dựng các trung tâm mới theo hướng chuyển ra ngoài đô thị trung tâm, đến khu vực Hòa Lạc, Sóc Sơn – Mê Linh và các tỉnh xung quanh. Trong hệ thống giao thông hiện đại trong Vùng, việc sử dụng các dịch vụ y tế, giáo dục trong Vùng sẽ nằm trong bán kính dưới 50km và khoảng 1giờ vận chuyển.

Các trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ ngơi, giải trí đều phát triển theo hướng Hà Nội là Trung tâm du lịch Vùng gắn kết và lan tỏa với các vùng có tiềm năng sinh thái du lịch xung quanh Hà Nội (như Vườn Quốc gia Ba Vì – Tam Đảo, Di sản thiên thiên thế giới vịnh Hạ Long, các tuyến – khu du lịch gắn với lịch sử, vùng cây ăn quả gắn với hệ thống sông ngòi Bắc bộ), nơi có thể đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi ngắn ngày cho người dân đô thị, du khách trong nước, quốc tế.

Định hướng phát triển đối với  các đô thị vệ tinh Hà Nội

Sơ đồ đô thị vệ tinh Hà Nội

Sơ đồ đô thị vệ tinh Hà Nội

Đô thị vệ tinh Sóc Sơn

  • Tính chất, chức năng: Đô thị công nghiệp, dịch vụ và dịch vụ hỗ trợ cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
  • Quy mô dân số năm 2030: khoảng 0,25 triệu người, dân số khống chế tối đa: 0,365 triệu người. Diện tích tự nhiên: 6.013ha, đất xây dựng đô thị khoảng 5.500ha.
  • Xây dựng đô thị mới Sóc Sơn gắn với dịch vụ cấp vùng cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các KCN thành một khu vực phát triển thương mại, Logistics và trung chuyển hàng hóa quốc tế.
  • Phát triển các không gian xanh cảnh quan trên cơ sở bảo tồn vùng núi Sóc Sơn và hệ thống các sông hồ.
  • Hình thành các trung tâm dịch vụ gắn với các khu công nghiệp sạch phục vụ cảng hàng không quốc tế Nội Bài, công nghiệp Mai Đình trên tuyến giao đường xuyên Á, quốc lộ 3 và đường sắt quốc gia.
  • Khu vực đô thị hiện hữu được cải tạo, nâng cấp về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.
  • Phát triển mở rộng đô thị về phía Nam và Đông, gắn với hành lang quốc lộ 18 và quốc lộ 3 với các khu chức năng.
  • Khai thác khu vực xung quanh núi Sóc phục vụ cho các hoạt động du lịch và vui chơi giải trí.
  • Phát triển khu công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ hàng không và dịch vụ trung chuyển hàng hóa từ khu công nghiệp Bắc Nội Bài.
  • Phát triển khu đại học tập trung tại khu vực phía Đông, gắn với vùng đầm Lai Cách để thu hút nhu cầu di dời các cơ sở đào tạo từ nội đô và nhu cầu đào tạo nghề gắn với các trung tâm công nghiệp.
  • Khai thác cảnh quan rừng núi, đặc điểm địa hình bán sơn địa và hệ thống sông hồ hiện có tại khu vực để tạo mạng lưới không gian xanh đô thị.
  • Xây dựng các khu vui chơi giải trí quy mô lớn, hiện đại phục vụ cho nhân dân thủ đô và vùng phụ cận.

Đô thị vệ tinh Sơn Tây

  • Tính chất, chức năng: Đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng.
  • Quy mô dân số năm 2030: khoảng 0,18 triệu người; dân số tối đa: 0,217 triệu người. Diện tích đất tự nhiên: 6.111 ha; Đất xây dựng đô thị khoảng 4.000 ha.
  • Phát triển đô thị văn hóa đặc trưng cửa ngõ phía Tây Bắc của Hà Nội trên cơ sở bảo tồn di sản văn hóa truyền thống (Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm và các di tích lịch sử văn hóa khác), bảo tồn và phát triển tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch.
  • Tăng cường đa dạng môi trường tự nhiên và tính chất sinh học của vùng, phát triển trung tâm kỹ thuật sinh học hỗ trợ cho du lịch, phát triển nông nghiệp sinh thái trên cơ sở khai thác lợi thế ưu đãi về cảnh quan đa dạng vùng sông Hồng, sông Tích, Ba Vì – Suối Hai.
  • Xây dựng đô thị có bản sắc văn hóa đặc trưng – văn hóa xứ Đoài: Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, hồ Xuân Khanh và hồ Kỳ Sơn là những không gian trọng tâm chính để tổ chức không gian đô thị.
  • Phát triển mở rộng đô thị về phía Tây, hướng về khu vực hồ Xuân Khanh & hồ Đường. Hạn chế phát triển về hướng Nam & hướng Đông.
  • Xây dựng đô thị hài hòa với đặc điểm địa hình tự nhiên, có hệ thống giao thông đô thị kết nối giữa khu phát triển mới và làng xóm cũ, đặc biệt là khu vực Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm.

Đô thị vệ tinh Hòa Lạc

  • Tính chất, chức năng: Đô thị khoa học, công nghệ và đào tạo.
  • Quy mô dân số năm 2030: khoảng 0,6 triệu người, dân số khống chế tối đa: 0,75 triệu người. Đất tự nhiên: 20.113ha. Đất xây dựng đô thị tối đa: khoảng 18.000ha.
  • Xây dựng Hòa Lạc thành một đô thị “thông minh”, là thành phố khoa học, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến nhất của Việt Nam, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
  • Đô thị Hòa Lạc còn là đô thị du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm vùng phía Tây Hà Nội được xây dựng dựa trên cấu trúc địa hình tự nhiên, gắn kết với hệ thống Ba Vì – Đồng Mô và sông Tích, hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia như QL21, đường Hồ Chí Minh.
  • Xây dựng đô thị Hòa lạc theo mô hình đô thị hiện đại, chất lượng cao, phát triển nhà cao tầng tại khu vực trung tâm và các khu vực đầu mối giao thông.
  • Hình thành 4 cụm không gian chức năng chuyên biệt (gồm khu Đại học Quốc gia Hà Nội; khu công nghệ cao Hòa Lạc; Khu  trung tâm y tế tập trung; Khu đô thị sinh thái)
  • Đô thị sinh thái, tiết kiệm năng lượng, phát triển gắn kết với địa hình đồi núi và hệ thống hồ nước hiện có của khu vực.
  • Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với quy mô 1.600ha bao gồm các chức năng nghiên cứu, sản xuất công nghệ, đào tạo và chuyển giao công nghệ.
  • Khu Đại học Quốc gia Hà Nội với quy mô 1.000ha và hình thành cụm trường phân tán tại phía nam với quy mô 100 – 200 ha.
  • Trung tâm y tế tập trung với quy mô 200ha bao gồm tổ hợp các chức năng chuyên sâu về y tế như khám chữa bệnh, điều dưỡng, nghiên cứu đào tạo y dược, sản xuất trang thiết bị y tế và các dịch vụ y tế đồng bộ khác.
  • Khu du lịch Đồng Mô bao gồm hồ cảnh quan Đồng Mô, làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, sân golf và công viên vui chơi giải trí.
  • Khu vực bao quanh hồ Đồng Mô cần được khoanh khu vực bảo vệ dự trữ phát triển vì mục đích công cộng, đáp ứng với vị thế đẹp của cảnh quan khu vực.

Đô thị vệ tinh Xuân Mai

  • Đô thị dịch vụ – công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, hệ thống làng nghề.
  • Quy mô dân số năm 2030: khoảng 0,22 triệu người, dân số khống chế tối đa: 0,3 triệu người. Diện tích đất tự nhiên: 6.641ha.
  • Đất xây dựng đô thị khoảng  4.500ha.
  • Phát triển đô thị Xuân Mai trở thành đô thị dịch vụ – công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, hệ thống làng nghề, đô thị cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội, đầu mối giao thông và liên kết Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) dựa trên mạng lưới giao thông liên vùng, quốc gia (QL6 và QL21).
  • Phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao và khu đại học, tập trung và phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại, chợ đầu mối nối kết Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc đất nước.
  • Xây dựng các khu đô thị mới mở rộng về phía Nam, khai thác sông Bùi là trục cảnh quan cây xanh kết hợp với bảo vệ hành lang thoát lũ.
  • Khoanh vùng bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng như: núi Thoong, sông Bùi …, kết hợp phát triển dịch vụ du lịch sinh thái.

Đô thị vệ tinh Phú Xuyên

  • Tính chất, chức năng: Đô thị dịch vụ, công nghiệp và hỗ trợ phát triển vùng nông thôn.
  • Quy mô dân số năm 2030: khoảng  0,127 triệu người, dân số khống chế tối đa: 0,155 triệu người. Đất xây dựng đô thị khoảng 2.500 – 3.000ha.
  • Phát triển đô thị Phú Xuyên trở thành đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa; đô thị vệ tinh cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, đầu mối của các hành lang giao thông quốc gia.
  • Xây dựng với các khu vực công nghiệp, trung chuyển phân phối nông sản vùng và đầu mối giao thông vùng, Hình thành các trung tâm tiếp vận hàng hóa và Logistics tại các khu vực đầu mối giao thông.
  • Xây dựng hình ảnh đô thị mặt nước. Phát triển đô thị với đặc trưng nhiều hồ nước, kênh mương để phù hợp với đặc điểm vùng thấp và ứng phó với vấn đề lũ lụt dọc theo các sông chảy qua khu vực.
  • Khu công nghiệp sạch, chế biến nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp đa ngành với quy mô hợp lý, hạn chế chuyển đổi đất nông nghiệp năng suất cao, thu hút các cơ sở công nghiệp từ nội thành tới. Hình thành cụm trường đại học quy mô khoảng 30 – 40ha đào tạo các ngành nghề liên quan đến dịch vụ hỗ trợ công nghiệp. Ưu tiên phát triển các khu nhà ở phục vụ công nhân khu công nghiệp.
  • Hình thành các khu chức năng đô thị tương đối độc lập , hạn chế nhu cầu lưu thông cắt ngang các tuyến giao thông. Khu vực phía Tây tuyến đường cao tốc Bắc Nam dự kiến phát triển các khu dân cư, trung tâm thương mại, giáo dục, y tế.
  • Các chức năng đô thị công nghiệp, dịch vụ theo mô hình sinh thái liên kết hữu cơ giữa hệ thống không gian công cộng gắn với mặt nước, cây xanh sông Nhuệ và sông Hồng. Các không gian công cộng và các khu dân cư đều được tiếp cận với hệ thống giao thông hiện đại.
  • Xây dựng mới Khu CN Thường Tín – Phú Xuyên (khoảng 1.000ha) với các ngành chế biến nông sản – thực phẩm, công nghiệp nhẹ, chế biến xuất khẩu, hệ thống cảng, kho tàng bến bãi dịch vụ tiếp vận trung chuyển hàng hóa (Logistic) …

Phát triển hạ tầng khung kết nối đô thị vệ tinh Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, trong đó kế hoạch sẽ xây mới 4 trục đường nối đô thị trung tâm với các ĐTVT với chiều dài khoảng gần 100km.

Các trục đường này có quy mô mặt cắt ngang từ 40 – 60m, tối thiểu 06 làn xe cơ giới, bao gồm:

  • Trục Tây Thăng Long đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Sơn Tây dài khoảng 20km.
  • Trục Hồ Tây – Ba Vì đoạn Vành đai 4 tới ĐTVT Hòa Lạc dài khoảng 25km.
  • Trục Hà Đông – Xuân Mai đoạn từ Vành đai 4 tới ĐTVT Xuân Mai dài khoảng 20km.
  • Trục Ngọc Hồi – Phú Xuyên đoạn từ Vành đai 4 tới ĐTVT Phú Xuyên dài khoảng 25km.

Đây sẽ là điều kiện rất quan trọng giúp cho các ĐTVT phát triển.

Qua thực tiễn của các nước cho ta một số kinh nghiệm sau:

  • Sự kết nối giữa ĐTVT với thành phố trung tâm phải thông qua một hệ thống giao thông hoàn chỉnh như đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị. Đây là những tuyến đường trục giao thông quan trọng và nếu thiếu nó thì sự kết nối không thành công.
  • Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, mỗi ĐTVT có chức năng và đặc điểm kinh tế – xã hội khác nhau. Mỗi ĐTVT phải có một động lực rõ ràng và thực chất, mỗi thành phố phải có chiến lược với những kế hoạch khả thi về tài chính bao gồm: Kinh phí để xây dựng các tuyến hạ tầng giao thông khung; Kinh phí để xây dựng các ĐTVT. Để có được nguồn kinh phí to lớn đó, phải huy động từ nhiều nguồn: ngân sách của thành phố, các thành phần tư nhân và sự đầu tư của Chính phủ.
  • Trong quyết định sắp tới, Thủ đô Hà Nội sẽ có 4 đường giao thông lớn kết nối từ thành phố trung tâm với các ĐTVT. Chúng ta mong đợi những chủ trương đó sẽ trở thành hiện thực và trong tương lai gần sẽ có 1 đến 2 ĐTVT của Hà Nội được thực hiện thành công.

Những vấn đề cần quan tâm trong quy hoạch phát triển đô thị vệ tinh

Các chiến lược quy hoạch được đưa ra để giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị trung tâm Hà Nội. Tuy nhiên, từ thực tiễn phát triển đô thị cho thấy, quá trình thực hiện phát triển đô thị theo quy hoạch cần phải quan tâm một số vấn đề sau:

  • Sự tập trung: Đô thị trung tâm Hà Nội, nơi hội tụ các giá trị của 1000 năm văn hiến, nơi tập trung các cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng của quốc gia, nơi tập trung nguồn nhân lực, khoa học công nghệ… tạo sức hút hấp dẫn đối với phát triển kinh tế và gia tăng dân số, lao động, việc làm. Trong bối cảnh các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng trong vùng chưa phát triển tương xứng, lao động việc làm và các nguồn lực đầu tư sẽ tiếp tục tập trung vào khu vực trung tâm, gây áp lực quá tải nghiêm trọng tới hạ tầng hiện có tại khu vực và phát triển nóng làm mất đi các giá trị di sản cần phải bảo tồn của Thủ đô. Do đó, Hà Nội cần có sự hợp tác phát triển với các địa phương trong vùng để phát triển các đô thị đối trọng, đô thị vệ tinh để giảm sự tập trung vào đô thị trung tâm. Song hành với đó, chính quyền thành phố Hà Nội cần có những kế hoạch mạnh mẽ để phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chuyên biệt, đáp ứng nhu cầu phát triển tập trung vào đô thị trung tâm và có biện pháp bảo tồn các giá trị di sản của Hà Nội.
  • Chia sẻ chức năng vùng: Chiến lược di dời các cơ sở y tế, giáo dục, sản xuất từ trong nội thành ra bên ngoài sẽ góp phần giảm tải cho đô thị trung tâm, đồng thời tạo động lực cho phát triển các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng trong vùng. Đây là chiến lược tổng thể, đa ngành, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng và cần có những cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển. Giải pháp quy hoạch chung, quy hoạch vùng đã đặt ra tương đối cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực. Tuy nhiên tiến triển thực hiện các giải pháp này không đáng kể, chưa có sự chủ động của chính quyền các cấp. Bước đầu các ngành mới tập trung cho các lĩnh vực kinh tế, công nghiệp thương mại và bất động sản, những lĩnh vực có giá trị lợi nhuận cao. Các lĩnh vực liên quan tới an sinh xã hội, có hiệu quả kinh tế thấp chưa có cơ chế hỗ trợ phát triển. Việc thiếu cơ chế hợp tác và điều phối liên vùng cũng ảnh hưởng quan trọng tới việc chậm thực hiện chia sẻ chức năng vùng.
  • Cấu trúc không gian vành đai và hướng tâm được hình thành trên nền tảng mạng lưới giao thông đường bộ đã được đầu tư phát triển từ nội đô ra bên ngoài. Cùng với đó, định hướng các vành đai xanh bảo vệ nội đô lịch sử, các vành đai đô thị phía Bắc sông Hồng và phía Đông đường Vành đai 4 được hình thành với các khu vực đô thị tập trung, đồng bộ, hiện đại. Thực tế triển khai quy hoạch cho thấy, các vành đai xanh, nêm xanh chưa được chú trọng bảo vệ phát triển, thay vào đó là các dự án khu đô thị với mật độ cao. Các khu đô thị được thực hiện với rất nhiều dự án riêng lẻ, thiếu liên kết, thiếu sự đồng bộ, kế hoạch triển khai dự án khu đô thị với kế hoạch xây dựng các cơ sở hạ tầng chưa được kết nối. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật khung chưa có kế hoạch đầu tư rõ ràng, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị hiện chưa có phương án huy động nguồn lực thực hiện. Với thực tế phát triển đô thị không theo quy hoạch và kế hoạch đặt ra, đô thị sẽ có xu hướng phát triển lan tỏa, chắp vá, tạo nên không gian đô thị lộn xộn, mất mỹ quan, đặc biệt là quá tải nghiêm trọng về hệ thống cơ sở hạ tầng.
  • Liên kết về hạ tầng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển đô thị hóa cấp vùng, các kết nối nhanh bằng các tuyến giao thông tốc độ cao (đường cao tốc, đường sắt đô thị) là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, các đô thị đối trọng, từ đó từng bước dịch chuyển các chức năng tập trung trong nội đô ra bên ngoài. Từ nền tảng các kết nối giao thông sẽ hỗ trợ thúc đẩy các liên kết về kinh tế xã hội như phát triển du lịch, dịch vụ thương mại, dịch vụ công cộng, sử dụng chung cơ sở hạ tầng của vùng để đáp ứng nhu cầu sử dụng của đông đảo người dân trong vùng. Ngoài ra, các liên kết để xử các vấn đề môi trường chung như ô nhiễm các tuyến sông, ô nhiễm không khí, cung cấp nguồn nước sạch, đặc biệt là hỗ trợ chia sẻ những vấn đề Hà Nội không có điều kiện để xử lý như xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải và nghĩa trang. Các giải pháp tăng cường liên kết vùng được đặt ra, cần có các cơ chế phối hợp, hỗ trợ giải quyết giữa các địa phương trong vùng.

Đô thị hóa là quá trình tất yếu, nhưng cần phải hạn chế các tác động tiêu cực để đảm bảo sự phát triển bền vững, nếu không cả xã hội sẽ phải trả giá đắt trong tương lai, không có cơ hội để giải quyết. Để khắc phục tồn tại này, thành phố Hà Nội cần quyết liệt thực hiện các giải pháp sau:

  • Đẩy nhanh việc phát triển các đô thị tại ngoại vi, đô thị vệ tinh, thực hiện các biện pháp di dời cơ sở y tế giáo dục, công sở, nhà máy… để thu hút dân cư ra bên ngoài. Trong giai đoạn này chúng ta không thực hiện các dự án để tiếp tục chất tải thêm dân cư, thu hút thêm lao động vào trong khu vực nội đô.
  • Xây dựng các khu đô thị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không gian cảnh quan, môi trường hấp dẫn gắn với các cơ sở việc làm để hấp dẫn dân cư, lao động. Xây dựng đô thị theo kế hoạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường, phù hợp với khả năng thu nhập của người dân, hạn chế các tác động tiêu cực của thị trường bất động sản.
  • Kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng đô thị, hạn chế xây dựng không phép, xây dựng sai phép, nhà siêu mỏng, siêu méo… làm hỏng cảnh quan và môi trường đô thị của khu vực. Đồng thời thực hiện các biện pháp để bảo vệ, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa lịch sử, kiến trúc cảnh quan đô thị và cải thiện chất lượng môi trường đô thị.

Thực hiện các giải pháp tổng thể gồm: xây dựng hệ thống các công cụ hữu hiệu để quản lý phát triển đô thị, xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị và giáo dục nâng cao văn hóa đô thị của người dân… sẽ đảm bảo sự phát triển hài hòa tổng thể, từng bước khắc phục các tồn tại bất cập hiện nay.

Bài học kinh nghiệm cho phát triển đô thị vệ tinh

Từ bài học kinh nghiệm phát triển của các nước trên thế giới và thực tiễn phát triển đô thị vệ tinh Hà Nội cho thấy một số vấn đề sau cần quan tâm:

  • Lựa chọn vị trí và mô hình phát triển đô thị vệ tinh: Đô thị vệ tinh cần được xây dựng trên nền tảng hiện trạng, đáp ứng điều kiện về quỹ đất, cơ sở hạ tầng, cảnh quan và các điều kiện động lực… làm tiền đề hình thành đô thị mới hỗ trợ chia sẻ chức năng với đô thị trung tâm. Quy mô, tính chất đô thị vệ tinh cần được nghiên cứu tính toán và dự báo trên cơ sở quy hoạch vùng.
  • Đô thị vệ tinh cần được quy hoạch xây dựng đồng bộ, đủ quy mô để hình thành đô thị mới hấp dẫn, có điều kiện cạnh tranh, thu hút dân cư và lao động trẻ tới sinh sống và làm việc. Việc ứng dụng công nghệ đô thị thông minh góp phần tạo môi trường, chất lượng và tiện ích đô thị, tạo hấp dẫn và trải nghiệm cho dân số trẻ.
  • Xây dựng hạ tầng kết nối: Đặc biệt quan tâm tới hạ tầng khung kết nối từ đô thị trung tâm ra bên ngoài, tạo di chuyển thuận lợi giữa đô thị vệ tinh và đô thị trung tâm. Đô thị vệ tinh đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển và liên kết vùng. Hệ thống các tuyến kết nối truyền thống, kết nối nhanh, tuyến giao thông công cộng … để rút ngắn thời gian di chuyển từ đô thị trung tâm tới đô thị vệ tinh.
  • Phát triển đô thị đồng bộ, chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ, lấy việc làm và cơ hội phát triển là chủ đạo, không dựa trên kinh doanh bất động sản về nhà ở. Trước mắt phát triển đô thị chuyên ngành, về lâu dài sẽ phát triển đô thị để đảm bảo người dân sống và làm việc tại chỗ với đầy đủ tiện nghi, đáp ứng nhu cầu sử dụng.
  • Tập trung nguồn lực : Đô thị vệ tinh được hình thành dựa trên chủ trương, các chiến lược đặc biệt, do đó khi đã xác định hình thành cần phải tập trung mọi nguồn lực và chính sách để phát triển nhanh chóng, tránh bài học kinh nghiệm của Hà Nội khi để kế hoạch phát triển thời gian dài, nhưng không có lộ trình triển khai cụ thể, cùng với đó là không xác định được nguồn lực đầu tư.
  • Chính sách hỗ trợ : Chính quyền các cấp cần ban hành hệ thống các chính sách hỗ trợ về việc làm, nhà ở, điều kiện sinh hoạt, nguồn vốn đầu tư… cùng với cơ sở vật chất tại đô thị vệ tinh được xây dựng đồng bộ để tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị.
(Nguồn:Tạp chí QHXD số 95+96)
Từ khóa: , , , , , , , , ,