Bản đồ quy hoạch Bà Rịa Vũng Tàu – Quy hoạch thành phố Vũng Tàu

BẢN ĐỒ QUY HOẠCH BÀ RỊA VŨNG TÀU

Vũng Tàu là một thành phố thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, du lịch, giao thông – vận tải và giáo dục và là một trong những trung tâm kinh tế của vùng Đông Nam Bộ.

Vị trí của thành phố Vũng Tàu

TP Vũng Tàu cách Thành phố Hồ Chí Minh 95 km về phía Đông Nam theo đường bộ và 80 km theo đường chim bay, đây là cửa ngõ quan trọng của vùng Đông Nam Bộ ra biển.

  • Phía Đông giáp huyện Long Điền
  • Phía Tây giáp vịnh Gành Rái
  • Phía Nam, Đông Nam và Tây Nam giáp Biển Đông
  • Phía Bắc giáp thành phố Bà Rịa và thị xã Phú Mỹ.
Bản đồ hành chính tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

Bản đồ hành chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – Bản đồ quy hoạch Bà Rịa Vũng Tàu

Đơn vị hành chính của thành phố Vũng Tàu

Thành phố Vũng Tàu có 17 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 16 phường: 1, 2, 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam, Nguyễn An Ninh, Rạch Dừa và 1 xã: Long Sơn.

QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THÀNH PHỐ VŨNG TÀU

Quy hoạch chung xây dựng thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với những nội dung chủ yếu sau :

Tính chất xây dựng TP Vũng Tàu

Xây dựng TP Vũng Tàu là trung tâm kinh tế, văn hoá, dịch vụ công cộng và đầu mối giao lưu quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; là trung tâm du lịch, dịch vụ hàng hải, phát triển cảng và khai thác dịch vụ dầu khí của cả nước; có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường biển.

Định hướng phát triển không gian và kiến trúc cảnh quan đô thị

Hướng phát triển đô thị tp vũng tàu

  • Hướng Tây Bắc, bờ biển phía Tây nối kết sang khu vực Long Sơn – Gò Găng: phát triển công nghiệp, cảng và các đô thị vệ tinh của thành phố;
  • Hướng Đông – Đông Bắc: phát triển du lịch biển và các đô thị vệ tinh phía Đông khu vực Long Hải và Phước Tỉnh, nối kết với vùng du lịch duyên hải Bà Rịa – Vũng Tàu;
  • Hướng Bắc: vùng bảo vệ sinh thái sông rạch ngập mặn, ngoại vi của thành phố và nối kết giữa 2 đô thị Vũng Tàu và Bà Rịa.
Định hướng phát triển không gian thành phố Vũng Tàu

Định hướng phát triển không gian thành phố Vũng Tàu – Bản đồ quy hoạch Bà Rịa Vũng Tàu

Quy hoạch các phân khu tại Vũng Tàu

Các khu ở (2.565 ha)

  • Khu đô thị trung tâm (khu Nam sân bay): được bố trí tại các phường 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và phường Thắng Tam (630 ha) được cải tạo, chỉnh trang và quản lý chặt chẽ về quy hoạch, kiến trúc, bảo vệ các di sản lịch sử – kiến trúc cảnh quan có giá trị, quy mô dân số khoảng 160.000 – 180.000 người.

Các khu phát triển mới

  • Khu Chí Linh – Phước Thắng (1.060 ha, gồm các khu Chí Linh – Rạch Bà; Rạch Bà – Cầu Cháy; Cầu Cháy – Ông Từ) được bố trí tại các phường 9, 10, 11 và phường Thắng Nhất, phát triển theo quy hoạch và dự án đồng bộ với các khu ở cao tầng, quy mô dân số khoảng 190.000 – 210.000 người.
  • Khu sinh thái cửa ngõ thành phố – Bắc Phước Thắng được bố trí tại phường 12 (250 ha), phát triển các khu ở thấp tầng phù hợp với đặc thù vùng duyên hải, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, quy mô dân số khoảng 22.000 – 25.000 người.
  • Khu Long Sơn được bố trí tại đảo Long Sơn thuộc xã Long Sơn (375 ha), phát triển các khu ở cao, thấp tầng và mô hình làng nông nghiệp, quy mô dân số khoảng 50.000 – 60.000 người.
  • Khu Gò Găng được bố trí tại đảo Gò Găng thuộc xã Long Sơn (250 ha), phát triển các khu ở thấp tầng, quy mô dân số khoảng 25.000 người, trong đó khu dân cư nghề cá khoảng 8.000 – 10.000 người.

Các khu du lịch, nghỉ ngơi (1.150 ha) bao gồm các khu du lịch Bãi Trước – Bãi Sau – Biển Đông (220 ha) và Chí Linh – Cửa Lấp (470 ha); khu giải trí Vũng Tàu – Paradise (200 ha); khu du lịch sinh thái hồ Cửa Lấp (260 ha).

Ngoài ra, kết hợp khai thác các vùng cảnh quan thiên nhiên hồ Cửa Lấp và các lâm viên: khu cồn cát, rừng dương ven trục 51 C (110 ha), lâm viên Núi Lớn (610 ha), Núi Nhỏ (198 ha) và Núi Nứa (240 ha); kết hợp khai thác làng Long Sơn; khai thác vùng sinh thái ngập mặn Cửa Lấp (4.109 ha).

Quy hoạch sử dụng đất thành phố Vũng Tàu

Quy hoạch sử dụng đất thành phố Vũng Tàu – Bản đồ quy hoạch Bà Rịa Vũng Tàu

Các khu công nghiệp, kho tàng và cảng (1.710 ha)

  • Khu công nghiệp dịch vụ hàng hải Bến Đình (30 – 50 ha);
  • Khu công nghiệp Đông Xuyên (160 ha);
  • Khu công nghiệp Long Sơn (500 – 600 ha) bao gồm: nhà máy lọc dầu (400 ha), khu công nghiệp phụ trợ (100 ha), khu công nghiệp đóng sửa tàu (100 ha);
  • Khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương tại Phước Thắng (160 ha);
  • Khu cảng cá, bến cá và công nghiệp chế biến hải sản tại Gò Găng (khoảng 250 – 300 ha, kể cả đất dự phòng phát triển);
  • Khu công nghiệp địa phương gần khu công nghiệp Đông Xuyên (30 ha);
  • Khu cảng tổng hợp Sao Mai – Bến Đình (245 ha);
  • Khu cảng và công nghiệp dịch vụ dầu khí Bến Đình (100 ha);
  • Khu cảng Cát Lở (50 ha);
  • Kho dầu Cù Lao Tàu (15 ha).

Hệ thống các trung tâm đô thị (272 ha)

  • Trung tâm hành chính, văn hoá, dịch vụ thương mại, du lịch của thành phố (90 ha) bố trí tại khu vực Bãi Trước nối với đường 51B;
  • Trung tâm đô thị mới Chí Linh – Phước Thắng là trung tâm thương mại, văn hoá, thể thao, du lịch (110 ha) bố trí phía đầu tuyến 51B;
  • Trung tâm dịch vụ tổng hợp (42 ha) bố trí tại đảo Long Sơn;
  • Các trung tâm khu vực bao gồm: trung tâm Bến Đình, Chí Linh, phường 7, phường 10 và Hải Đăng là trung tâm dịch vụ công cộng cấp khu ở (30 ha).

Các trung tâm chuyên ngành (258 ha)

  • Trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính, ngân hàng, hội chợ, hội nghị (125 ha), bố trí tại khu đất sân bay Vũng Tàu hiện hữu (thực hiện sau năm 2010);
  • Trung tâm đào tạo gồm Đại học dân lập, Đại học cộng đồng, trường Du lịch (50 ha), bố trí tại khu vực trung tâm đô thị mới Phước Thắng;
  • Trung tâm y tế – nghỉ dưỡng gồm bệnh viện, khu nghỉ dưỡng bố trí tại trung tâm đô thị mới Phước Thắng và các khu du lịch;
  • Trung tâm dịch vụ hàng không (30 ha) bố trí tại Gò Găng;
  • Các khu văn phòng chuyên ngành (53 ha) bố trí tại Phước Thắng;
  • Các khu an ninh quốc phòng (120 ha) được giữ nguyên quy mô và vị trí; bổ sung 40 ha để bố trí Hải đoàn 125 tại đảo Long Sơn.

Hệ thống cây xanh, mặt nước và công viên (640 ha)

  • Công viên văn hoá thể thao Bàu Trũng (230 ha);
  • Công viên văn hoá Bàu Sen (60 ha);
  • Công viên Rạch Bà và hồ điều hoà (100 ha);
  • Công viên trung tâm Phước Thắng tại Cầu Cháy (70 ha);
  • Công viên trung tâm Long Sơn (180 ha).

Ngoài ra có hệ thống cây xanh và công viên nằm trong các khu du lịch sinh thái và các lâm viên.

Vùng dự trữ phát triển và ngoại vi đô thị

Bao gồm ngoại thành của thành phố và mở rộng ngoài ranh giới thành phố nối kết với cụm đô thị Bà Rịa – Phú Mỹ bao gồm đảo Long Sơn, khu Phước Cơ, ngoại vi thị xã Bà Rịa và khu Long Hải – Phước Tỉnh với chức năng là vùng phát triển các đô thị vệ tinh, công nghiệp, vùng đệm, sinh thái và phát triển du lịch.

Quy hoạch kiến trúc và cảnh quan đô thị thành phố Vũng Tàu

  • Khu vực bảo tồn di sản kiến trúc và hạn chế phát triển (khu trung tâm đô thị): giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh, tăng tầng cao trung bình, bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị, kết hợp bảo vệ các vùng cảnh quan quan trọng như Núi Lớn, Núi Nhỏ, Bãi Trước, Bãi Sau.
  • Khu vực cảnh quan, bảo tồn thiên nhiên và các khu vực sinh thái ngập mặn: giữ lại khu dân cư Long Sơn hiện có (làng trên đảo kết hợp bảo tồn khu ngập mặn, đất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản phía Đông – Đông Nam đảo); khu Phước Cơ là vùng sinh thái ngập mặn cửa sông ven biển được bảo tồn với chức năng là vùng đệm xanh của thành phố.
  • Khu phát triển mới: phát triển kiến trúc hiện đại, cao tầng với khoảng lùi hợp lý kết hợp không gian xanh dọc các trục 51B, 51C và tại các khu ở mới.

Quy hoạch giao thông Bà Rịa Vũng Tàu

Giao thông đường bộ đối ngoại

Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 51 với quy mô 6 làn xe; xây dựng đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Vũng Tàu quy mô từ 4 đến 6 làn xe; hoàn chỉnh tuyến đường Hải Đăng – Phước Tỉnh và cầu qua hồ Cửa Lấp đi Long Hải – Phước Tỉnh.

Đường sắt

Xây dựng đường sắt vận tải hành khách và hàng hóa nối Vũng Tàu với Biên Hòa – thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng ga trung tâm Vũng Tàu tại khu vực ven Rạch Bến Đình.

Đường hàng không

Sau năm 2010, xây dựng sân bay Vũng Tàu mới tại Gò Găng, là sân bay dân dụng kết hợp quân sự với chiều dài đường băng 2,0 km, diện tích khoảng 250 – 300 ha. Chuyển đổi chức năng sử dụng đất sân bay hiện có thành trung tâm thương mại mới của thành phố.

Đường thuỷ

  • Cải tạo nâng cấp các cảng hiện có ven bờ sông Dinh; xây dựng mới cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền trú bão tại đảo Gò Găng;
  • Đầu tư xây dựng cảng tổng hợp Sao Mai – Bến Đình;
  • Xây dựng bến tàu hậu cần cho Côn Đảo tại khu vực cảng Cát Lở;
  • Xây dựng cảng Long Sơn là cảng chuyên dùng phục vụ chính cho khu công nghiệp Long Sơn;
  • Nâng cấp bến tàu khách du lịch tại khu vực Bãi Trước.

Giao thông đối nội

Điều chỉnh mạng lưới đường thành phố trên cơ sở Quy hoạch chung thành phố được phê duyệt năm 1993 với các trục đường dọc, ngang và vành đai tạo thành mạng lưới đường hoàn chỉnh.

Quy hoạch xây dựng các dự án tại thành phố Vũng Tàu

Khu trung tâm đô thị thành phố Vũng Tàu

  • Triển khai xây dựng các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị như các tuyến giao thông đối ngoại, nâng cấp các tuyến đối nội; chuẩn bị kỹ thuật, cấp nước, thoát nước bẩn vệ sinh môi trường khu nội thành.
  • Cải tạo trung tâm chợ cũ, khu quảng trường du lịch; xây dựng hoàn chỉnh khu trung tâm Chợ mới, khu trung tâm thương mại phường 7; cải tạo các công trình dịch vụ công cộng.
  • Đầu tư xây dựng cáp treo du lịch Núi Lớn – Núi Nhỏ; hoàn chỉnh trung tâm du lịch Bãi Trước và Bãi Sau, công viên Bàu Sen.

Khu Chí Linh – Phước Thắng

  • Xây dựng khu nhà ở và trung tâm Chí Linh.
  • Xây dựng và hoàn chỉnh trục chính đô thị 51B.
  • Xây dựng công viên Rạch Bà và công viên thể thao Bàu Trũng.
  • Hoàn chỉnh xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Đông Xuyên.
  • Đầu tư xây dựng khu du lịch ven biển Chí Linh – Cửa Lấp.

Khu vực ngoại thị tp vũng tàu

  • Xây dựng đoạn đường nối thành phố Vũng Tàu và trung tâm hành chính mới của tỉnh tại thị xã Bà Rịa thuộc tuyến đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu.
  • Xây dựng cầu Gò Găng nối khu vực Phước Thắng với đảo Gò Găng.
  • Chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu chế biến hải sản và khu dân cư nghề cá tại Gò Găng.
  • Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp tại phía Tây đảo Long Sơn và khu dân cư mới.
  • Chuẩn bị điều kiện về đất đai và hệ thống công trình đầu mối hạ tầng để tiếp nhận dự án lọc hoá dầu tại Long Sơn.

Trên đây là thông tin quy hoạch Bà Rịa Vũng Tàu, ngoài ra bạn cũng có thể xem thêm quy hoạch tại

Website : quyhoachvietnam.com

 

Từ khóa: , , , , , , , ,