Hà Giang là một tỉnh biên giới nằm ở vùng Đông Bắc Bộ, Việt Nam, có vị trí địa lý quan trọng trong an ninh quốc phòng. Thủ tướng chính phủ ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Hà Giang, tỉnh Hà Giang đến năm 2035 với những nội dung chủ yếu sau :
Ranh giới và phạm vi nghiên cứu quy hoạch đô thị tỉnh Hà Giang
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch : Bao gồm thành phố Hà Giang hiện hữu (khoảng 13.392,80 ha) và khu vực dự kiến mở rộng thuộc huyện Vị Xuyên gồm xã Phong Quang (khoảng 3.478,4 ha), thôn Tân Đức (xã Đạo Đức) khoảng 245 ha, thôn Lắp 1 (xã Phú Linh) khoảng 250 ha, thôn Chang (xã Kim Thạch) khoảng 256 ha, thôn Bản Thẳm (xã Kim Thạch) khoảng 304 ha.
- Phía Bắc: giáp xã Thuận Hòa, Tùng Bá, huyện Vị Xuyên.
- Phía Đông: giáp xã Yên Định, huyện Bắc Mê.
- Phía Tây: giáp xã Phương Tiến, Cao Bồ, Đạo Đức, huyện Vị Xuyên.
- Phía Nam: giáp xã Đạo Đức, Phú Linh, Kim Thạch, huyện Vị Xuyên.
Tính chất quy hoạch đô thị tỉnh Hà Giang
- Là đô thị tỉnh lỵ tỉnh Hà Giang, trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học kỹ thuật và chế biến công nghệ cao của tỉnh Hà Giang.
- Là trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, đầu mối giao lưu, liên kết, thúc đẩy Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và các khu vực khác của tỉnh Hà Giang nói riêng, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung, phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng.
- Là đô thị loại II trong giai đoạn đến 2030, đô thị xanh với các giá trị về hệ sinh thái, kiến trúc truyền thống, văn hóa bản địa được gìn giữ, phát huy hiệu quả và bền vững.
Định hướng phát triển không gian đô thị Hà Giang
- Xác định các nguyên tắc phát triển không gian đô thị phù hợp với mục tiêu và tính chất chức năng đô thị.
- Xác định cấu trúc phát triển không gian đô thị đảm bảo tối ưu về liên kết vùng, đặc biệt là sự liên kết, hỗ trợ Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và các khu vực khác trong tỉnh. Xác định liên kết giữa các khu vực chức năng trong đô thị hiệu quả, phát triển bền vững các tiềm năng thế mạnh của đô thị.
- Xác định các khu vực cảnh quan tự nhiên có giá trị như thảm thực vật phía Đông, phía Tây, hệ sinh thái sông Lô, sông Miện, núi Mỏ Neo, Hàm Hổ…, các giá trị văn hóa, kiến trúc truyền thống của đô thị để gìn giữ và phát huy.
- Đề xuất các giải pháp nâng cấp cải tạo các khu vực phát triển hiện hữu, đặc biệt các khu ở dân cư, không gian công cộng, cây xanh công viên và tiện ích đô thị. Định hướng xây dựng các khu chức năng mới đảm bảo khả năng thu hút đầu tư cao.
- Định hướng tổ chức, xây dựng hệ thống trung tâm đô thị, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
- Quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm và bền vững, bảo vệ tài nguyên và môi trường trong quá trình phát triển đất đai đô thị.