NỘI DUNG BÀI VIẾT
BẢN ĐỒ QUY HOẠCH HUYỆN QUỐC OAI
Vị trí Huyện Quốc Oai
Huyện Quốc Oai nằm ở Phía Tây của Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội 20km.
- Phía Đông giáp huyện Hoài Đức và quận Hà Đông.
- Phía Tây giáp huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
- Phía Nam giáp huyện Chương Mỹ.
- Phía Bắc giáp huyện Thạch Thất và huyện Phúc Thọ.
Huyện Quốc Oai có bao nhiêu xã ?
Huyện Quốc Oai có 21 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Quốc Oai (huyện lỵ) và 20 xã: Cấn Hữu, Cộng Hòa, Đại Thành, Đồng Quang, Đông Yên, Hòa Thạch, Liệp Tuyết, Nghĩa Hương, Ngọc Liệp, Ngọc Mỹ, Phú Cát, Phú Mãn, Phượng Cách, Sài Sơn, Tân Hòa, Tân Phú, Thạch Thán, Tuyết Nghĩa, Yên Sơn, Đông Xuân
Quyết định phê duyệt quy hoạch huyện quốc oai
Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND huyện Quốc Oai tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch chung xây dựng huyện Quốc Oai đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000.
- Quy mô; 14.700,62ha
- Chủ đầu tư UBND huyện Quốc Oai
- Quyết định phê duyệt số: 6660/QĐ-UBND TP. Hà Nội
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Quốc Oai có diện tích khoảng 14.700,62ha, trong đó, đất phát triển đô thị khoảng 7.382ha, diện tích đất nông thôn khoảng 7.318,62ha với quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 304.000 người, trong đó, dân số đô thị khoảng 180.000 người, dân số nông thôn khoảng 124.000 người.
Mục tiêu của quy hoạch nhằm hướng tới xây dựng hình ảnh huyện Quốc Oai là một trong những khu vực phát triển năng động, bền vững phía Tây Thủ đô Hà Nội: hài hòa giữa đô thị và nông thôn, hiện đại truyền thống, bảo tồn – phát triển trong tổng thể Thủ đô “Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”
Quy hoạch định hướng huyện Quốc Oai
Quy hoạch chung xây dựng huyện Quốc Oai đến năm 2030 được định hướng gồm 3 khu vực chính: Khu vực đô thị, khu vực nông thôn và khu vực hành lang xanh.
- Khu vực đô thị: Thị trấn Quốc Oai phát triển theo mô hình đô thị sinh thái, văn hóa lịch sử, nông nghiệp công nghệ cao. Một phần đô thị vệ tinh Hòa Lạc phát triển là đô thị khoa học, công nghệ và đào tạo có chức năng hỗ trợ đô thị trung tâm về công nghiệp, dịch vụ y tế, đào tạo; là trung tâm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và tâm linh; hỗ trợ phát triển cho khu vực nông thôn nằm trong hành lang xanh.
- Khu vực nông thôn: gồm các xã nằm ngoài phạm vi phát triển đô thị, định hướng phát triển theo mô hình nông thôn mới đặc thù của Thủ đô, định hướng phát triển mô hình trang trại, nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp, hoạt động phục vụ du lịch, bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống.
- Khu vực hành lang xanh: phát triển du lịch, mô hình trang trại, nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp, khoanh vùng bảo vệ và bảo tồn các làng nghề truyền thống, các vùng đa dạng sinh học, vùng nông nghiệp năng suất cao; phát triển hệ thống xã hội – hạ tầng kỹ thuật chung cho toàn đô thị, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối liên đô thị.
Quy hoạch phát triển không gian H.Quốc Oai
Trên cơ sở phân vùng địa hình và phân vùng phát triển kinh tế – xã hội, định hướng phân vùng phát triển không gian huyện Quốc Oai gồm 6 vùng:
- Vùng 1 – Thị trấn sinh thái Quốc Oai phát triển theo mô hình đô thị sinh thái, văn hóa lịch sử, nông nghiệp công nghệ cao.
- Vùng 2, một phần đô thị vệ tinh Hòa Lạc, phát triển theo mô hình đô thị khoa học, công nghệ và đào tạo có chức năng hỗ trợ đô thị trung tâm về công nghiệp, dịch vụ, y tế, đào tạo; là trung tâm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và tâm linh.
- Vùng 3 – vùng gò đồi, du lịch nghỉ dưỡng – sinh thái, trồng cây ăn quả và chăn nuôi;
- Vùng 4 – vùng đồi thấp, phát triển cây ăn quả, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản;
- Vùng 5 – vùng đồng bằng nội đồng, phát triển lúa năng suất cao, chăn nuôi và làng nghề truyền thống;
- Vùng 6 – vùng ven bãi, phát triển rau sạch, rau an toàn và cây ăn quả.
Trên cơ sở định hướng phát triển Thủ đô, đánh giá quỹ đất xây dựng và mối liên hệ phát triển với các đô thị xung quanh, phát triển thị trấn sinh thái Quốc Oai về phía Tây và phía Bắc, nơi có quỹ đất xây dựng và kết nối thuận lợi với đô thị trung tâm và đô thị mới Hòa Lạc; hạn chế mở rộng đô thị về phía Nam do đây là vùng trũng, phù hợp phát triển nông nghiệp.
Xem thêm : Quy hoạch thành phố Hạ Long Quảng Ninh