Thủ tướng chính phủ ký quyết định phê duyệt “Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định đến năm 2040”, với những nội dung chính sau :
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Phạm vi lập quy hoạch khu kinh tế Nhơn Hội Bình Định
Diện tích khoảng 14.308 ha, gồm :
- Phần hiện hữu: trên bán đảo Phương Mai có diện tích khoảng 12.000 ha, trên địa giới hành chính của phường Hải Cảng và các xã Nhơn Hội, Nhơn Lý, Nhơn Hải thuộc thành phố Quy Nhơn; các xã Cát Tiến, Cát Hải, Cát Chánh thuộc huyện Phù Cát; các xã Phước Hòa, Phước Sơn thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định; có giới hạn địa lý phía Bắc giáp Núi Bà, xã Cát Hải, huyện Phù Cát; phía Đông và Nam giáp Biển Đông; phía Tây giáp Đầm Thị Nại.
- Phần mở rộng: trên địa giới hành chính xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định có diện tích khoảng 2.308 ha; có giới hạn địa lý phía Bắc, phía Tây và phía Nam giáp đất đồi núi huyện Vân Canh; phía Đông giáp khu dân cư hiện hữu xã Canh Vinh.
Tính chất quy hoạch khu kinh tế mở Nhơn Hội
- Là khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, với trọng tâm phát triển là du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, cảng biển, năng lượng tái tạo và thủy sản.
- Là cực tăng trưởng đối trọng, liên kết chặt chẽ và toàn diện với sự phát triển chung của thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận.
- Là một trong những trung tâm phát triển chính của Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung, đầu mối thông thương, giao lưu quốc tế quan trọng của Miền Trung và Tây Nguyên.
- Là khu vực có tầm quan trọng về an ninh quốc phòng.
Định hướng phát triển không gian khu kinh tế Nhơn Hội tỉnh Bình Định
Tổ chức không gian Khu kinh tế trên cơ sở phối hợp bốn không gian cơ bản sau:
Không gian cảnh quan – dự trữ sinh thái
- Bảo vệ không gian cảnh quan các dãy núi Vân Canh, Phương Mai, Núi Bà.
- Bảo vệ giá trị cảnh quan và đa dạng sinh học của hệ sinh thái Đầm Thị Nại và lân cận, trong đó quan tâm bảo tồn khu vực Cồn Chim.
- Phát triển các cơ sở năng lượng tái tạo tại các vị trí có tiềm năng ở bán đảo Phương Mai, trên nguyên tắc bảo vệ tối đa tài nguyên thiên nhiên hiện hữu.
- Bảo vệ và khai thác hợp lý dải không gian ven biển theo các quy định của pháp luật về tài nguyên môi trường biển và hải đảo.
Không gian phát triển công nghiệp
Định hướng phát triển công nghiệp tại bán đảo Phương Mai là công nghiệp sạch, với hàm lượng công nghệ cao, nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp sáng tạo.
Khu công nghiệp Becamex – Bình Định là khu chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp sản xuất hàng điện tử và vật liệu xây điện; công nghiệp dệt, may, da, may mặc xuất khẩu;
Không gian phát triển du lịch
Phát triển các khu du lịch dọc bờ biển phía Đông, điểm dịch vụ du lịch sinh thái ven Đầm Thị Nại và Vịnh Mai Hương.
Phát triển sản phẩm du lịch theo đặc trưng thế mạnh của từng địa điểm tại Tân Thanh – Vĩnh Hội, Eo Gió, Kỳ Co, Phương Mai, Núi Bà, Nhơn Hải, Hòn Khô, Hải Minh…
Không gian phát triển đô thị – nông thôn
Hình thành và phát triển năm khu đô thị mới gồm:
- Khu đô thị Cát Tiến
- Khu đô thị Nhơn Hội
- Khu đô thị Mai Hương
- Khu đô thị Becamex A
- Khu đô thị Becamex B.
Cải tạo và sắp xếp dân cư tại chỗ đối với ba cụm dân cư nông thôn hiện hữu: cụm dân cư xã Cát Hải, cụm dân cư xã Nhơn Hải, cụm dân cư vùng bán ngập Đầm Thị Nại.
Các phân khu chức năng trong KKT Nhơn Hội
Khu kinh tế được chia thành tám phân khu chức năng, trong đó phân khu 01-06 nằm tại phần hiện hữu và phân khu 07, 08 nằm tại phần mở rộng, với định hướng phát triển chủ yếu như sau:
Phân khu 01 – Khu đô thị, du lịch Tân Thanh, Vĩnh Hội
Là khu đô thị – du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, phát triển các khu dân cư sinh thái, khu du lịch – dịch vụ với mật độ thấp, gắn với bảo vệ các giá trị tự nhiên hiện hữu hai thung lũng núi hướng biển có bãi tắm đẹp.
Dân số dự kiến khoảng 23.000 người.
Diện tích đất tự nhiên khoảng 1.164 ha; diện tích đất xây dựng các khu chức năng khoảng 969 ha; mật độ dân cư từ 50 – 70 người/ha;
Phân khu 02 – Khu đô thị cửa ngõ Cát Tiến
Là khu đô thị cửa ngõ phía Bắc, phát triển đô thị, du lịch – dịch vụ với mật độ trung bình; khai thác tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo; bảo tồn vành đai thiên nhiên ngăn gió bão biển.
Dân số dự kiến khoảng 49.100 người.
Diện tích đất tự nhiên khoảng 1.606 ha; diện tích đất xây dựng các khu chức năng khoảng 1.305 ha; mật độ dân cư từ 60 – 80 người/ha.
Phân khu 03 – Khu đô thị du lịch Nhơn Hội
Là khu đô thị dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng biển, trung tâm vui chơi giải trí lớn; phát triển với mật độ trung bình; cung cấp cơ sở đào tạo nghề, bệnh viện phục vụ toàn bán đảo; khai thác tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo; đồng thời bảo tồn vành đai thiên nhiên ngăn gió bão từ biển; bảo tồn, khai thác các giá trị cảnh quan đặc hữu như: Eo Gió, Kỳ Co, tuyến du lịch quốc gia Phương Mai – Núi Bà.
Dân số dự kiến khoảng 78.300 người.
Diện tích đất tự nhiên khoảng 2.199 ha; diện tích đất xây dựng các khu chức năng khoảng 2.005 ha, mật độ dân cư từ 60 – 80 người/ha.
Phân khu 04 – Khu công nghiệp đô thị Nhơn Hội
Phát triển khu công nghiệp Nhơn Hội, khu cảng biển Nhơn Hội; khu đô thị Mai Hương trở thành trung tâm đô thị – thương mại – dịch vụ hỗn hợp phục vụ toàn bán đảo; bảo tồn Vịnh Mai Hương; phát triển các khu dịch vụ, vui chơi giải trí, không gian thưởng ngoạn, bến du lịch ven bờ Vịnh; phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo tồn cảnh quan sinh thái trên dãy núi Phương Mai.
Dân số dự kiến khoảng 29.100 người.
Diện tích đất tự nhiên khoảng 3.521 ha; diện tích đất xây dựng các khu chức năng khoảng 2.772 ha; mật độ dân cư từ 40 – 60 người/ha;
Phân khu 05 – Khu đô thị du lịch Phương Mai
Là khu đô thị – du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; phát triển các khu dân cư sinh thái, khu du lịch với mật độ thấp, khai thác tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo và bảo vệ các giá trị tự nhiên hiện hữu của vùng Nam bán đảo Phương Mai.
Dân số dự kiến khoảng 13.000 người.
Diện tích đất tự nhiên khoảng 1.512 ha; diện tích đất xây dựng các khu chức năng khoảng 1.335 ha; mật độ dân cư từ 20 – 40 người/ha.
Phân khu 06 – Đầm Thị Nại
Là khu bảo tồn, gìn giữ hệ sinh thái đầm Thị Nại đặc sắc, phát triển các giải pháp bảo tồn như hồi sinh rừng ngập mặn, kiểm soát chặt chẽ dân số, hoạt động của các nguồn ô nhiễm; phát triển các mô hình du lịch bền vững; từng bước chuyển đổi nghề nuôi trồng thủy sản trên Đầm sang các mô hình sinh kế bền vững môi trường.
Dân số dự kiến khoảng 1.800 người.
Diện tích đất tự nhiên khoảng 1.998 ha; diện tích đất xây dựng các khu chức năng khoảng 306 ha; mật độ dân cư khoảng 20 – 40 người/ha;
Phân khu 07 – Khu công nghiệp – đô thị Becamex A
Là tổ hợp công nghiệp, đô thị, dịch vụ, khai thác thế mạnh vị trí cửa ngõ phía Tây thành phố Quy Nhơn và phụ cận, đón đầu tuyến đường cao tốc Bắc Nam; phát triển với mật độ trung bình, bảo vệ giá trị tự nhiên của thung lũng sông Hà Thanh.
Dân số dự kiến khoảng 23.400 người.
Diện tích đất tự nhiên khoảng 1.425 ha; diện tích đất xây dựng các khu chức năng khoảng 1.390 ha; mật độ dân cư từ 60 – 80 người/ha.
Phân khu 08 – Khu đô thị – dịch vụ Becamex B
Là khu đô thị dịch vụ thương mại, hình thành trong giai đoạn dài hạn, dân số dự kiến khoảng 32.300 người; diện tích đất tự nhiên khoảng 883 ha; diện tích đất xây dựng các khu chức năng khoảng 662 ha; mật độ dân cư từ 50 – 70 người/ha.
Định hướng sử dụng đất khu kinh tế Nhơn Hội Quy Nhơn
Tổng diện tích tự nhiên Khu kinh tế là 14.308 ha.
Quy hoạch sử dụng đất khu kinh tế Nhơn Hội Bình Định đến năm 2030
- Đất xây dựng các khu đô thị – khu dân cư nông thôn: khoảng 2.529 ha, chiếm 17,7%.
- Đất xây dựng các khu công nghiệp: 1.175 ha, chiếm 8,2%.
- Đất phát triển năng lượng tái tạo: khoảng 755 ha, chiếm 5,3%.
- Đất các khu du lịch, dịch vụ, hỗn hợp: khoảng 1.387 ha, chiếm 9,7%.
- Đất công viên chuyên đề: khoảng 698 ha, chiếm 4,9%.
- Đất cây xanh sinh thái, cách ly: khoảng 1.066 ha, chiếm 7,5%.
- Đất khu cảng bến bãi: khoảng 92 ha, chiếm 0,6%.
- Đất công trình đầu mối hạ tầng, kỹ thuật: khoảng 49 ha, chiếm 0,3%.
- Đất giao thông đối ngoại, liên khu vực: khoảng 262 ha, chiếm 1,8%.
- Đất chưa xây dựng bao gồm mặt nước nuôi trồng thủy sản, bãi biển, nghĩa trang, nông nghiệp và đồi núi chưa sử dụng: khoảng 6.295 ha, chiếm 44,0%.
Quy hoạch sử dụng đất khu kinh tế Nhơn Hội Bình Định đến năm 2040
- Đất xây dựng các khu đô thị – khu dân cư nông thôn: 3.361 ha, chiếm 23,5%.
- Đất xây dựng các khu công nghiệp: 1.743 ha, chiếm 12,2%.
- Đất phát triển năng lượng tái tạo: khoảng 995 ha, chiếm 7,0%.
- Đất các khu du lịch, dịch vụ, hỗn hợp: khoảng 1.470 ha, chiếm 10,3%.
- Đất công viên chuyên đề: khoảng 728 ha, chiếm 5,1%.
- Đất cây xanh sinh thái, cách ly: khoảng 1.930 ha, chiếm 13,5%.
- Đất khu cảng bến bãi: khoảng 92 ha, chiếm 0,6%.
- Đất công trình đầu mối hạ tầng, kỹ thuật: khoảng 49 ha, chiếm 0,3%.
- Đất giao thông đối ngoại, liên khu vực: khoảng 378 ha, chiếm 2,6%.
- Đất chưa xây dựng bao gồm mặt nước nuôi trồng thủy sản, bãi biển, nghĩa trang, nông nghiệp và đồi núi chưa sử dụng: khoảng 3.562 ha, chiếm 24,9%.
Định hướng kiến trúc, cảnh quan khu kinh tế Nhơn Hội
Hệ thống các trung tâm hoạt động và khu vực cửa ngõ khu kinh tế
- Hệ thống trung tâm hoạt động gồm ba cấp: Khu trung tâm đô thị hỗn hợp là lõi hoạt động của các đô thị Cát Tiến, đô thị Nhơn Hội, đô thị Mai Hương, Becamex A và B; cụm trung tâm dịch vụ hỗn hợp là các quần thể công trình cung cấp dịch vụ cho các khu du lịch Tân Thanh, Vĩnh Hội, Trung Hội, Nhơn Lý, Kỳ Co, Eo Vượt, Nhơn Hải, Hòn Khô, Hải Minh, Vịnh Mai Hương. Điểm trung tâm dịch vụ hỗn hợp: là các công trình đa năng hoặc không gian công cộng trọng điểm như Bến du thuyền phía Bắc, Bến du thuyền trung tâm, Bến du thuyền phía Nam… cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái ven Đầm Thị Nại.
- Các khu vực cửa ngõ gồm bốn trung tâm hoạt động: Phía Nam là khu trung tâm đô thị thương mại dịch vụ Mai Hương; phía Bắc là Khu trung tâm đô thị Cát Tiên; phía Tây là Khu trung tâm đô thị Becamex A; phía Đông là Cảng Nhơn Hội – Bến du thuyền Mai Hương.
- Các trung tâm hoạt động khác nhau về quy mô nhưng tương đồng về nguyên tắc tổ chức không gian, như: tạo dựng được khu phố dịch vụ sống động, hấp dẫn các doanh nghiệp về thương mại dịch vụ, là đầu mối hệ thống giao thông công cộng, có khả năng đáp ứng nhiều loại công trình khác nhau, cấu trúc đô thị linh hoạt theo nhu cầu thay đổi của thị trường; có sự kết hợp đa dạng, hỗn hợp chức năng công trình.
Các trục không gian chính KKT Nhơn Hội
Các trục cảnh quan chính gồm
- Trục lõi bán đảo Phương Mai (Quốc lộ 19B) đoạn qua các đô thị Cát Tiến, Nhơn Hội và Mai Hương
- Trục ven biển đoạn qua từ Đèo Tân Thanh đến Eo Gió
- Trục ven Đầm Thị Nại đoạn qua các đô thị Cát Tiến, Nhơn Hội và Mai Hương
- Trục tiếp cận bán đảo Phương Mai gồm cầu Thị Nại 1, cầu Thị Nại 2 và bắc Thị Nại
- Trục cảnh quan sông Hà Thanh
- Nguyên tắc tổ chức không gian các tuyến trục chính như sau :
- Khung cảnh của tầm nhìn từ các địa điểm công cộng tới các thắng cảnh được xác định và xây dựng quy tắc gìn giữ và phải được phục hồi nếu bị xâm hại bởi việc xây dựng các công trình có vị trí hoặc khối tích không phù hợp; gồm 5 tầm nhìn sau: từ đầu cầu Thị Nại đến đỉnh núi Phương Mai; từ nút giao trung tâm đô thị Cát Tiến đến quảng trường biển Nhơn Hội; từ nút giao trung tâm đô thị Mai Hương đến quảng trường Vịnh Mai Hương; từ mũi Cảng Quy Nhơn đến mũi cảng Nhơn Hội; từ mũi Vịnh Quy Nhơn đến Tượng đài Trần Hưng Đạo.
- Bố trí đường phố hoặc đường dạo bộ, đảm bảo quyền tiếp cận công cộng tới tất cả các không gian mở như cồn cát, bãi biển và bờ biển.
- Cảnh quan của các tuyến, đoạn theo chủ đề văn hóa, thương mại, bờ biển, sinh thái đầm… cần được triển khai thiết kế cụ thể để định hướng xây dựng, đảm bảo phù hợp với tính chất của tuyến và các quy phạm hiện hành.
Định hướng quy hoạch giao thông khu kinh tế Nhơn Hội
Giao thông đối ngoại khu kinh tế
Quy hoạch giao thông đường bộ :
- Xây dựng mới tuyến vành đai kết nối với tuyến cao tốc Bắc Nam với quy mô 4-6 làn xe, đạt tiêu chuẩn đường cấp II – III đồng bằng.
- Hoàn thiện đường trục Khu kinh tế nối dài kết nối với Quốc lộ 1 và sân bay Phù Cát, quy mô 6-8 làn xe, lộ giới quản lý rộng 60m.
- Nâng cấp tuyến Quốc lộ 19C đoạn đi qua khu công nghiệp đô thị Becamax đạt tiêu chuẩn cấp III, IV, quy mô 2 làn xe và tuyến đường ĐT 639 tối thiểu đạt cấp III đồng bằng. Đoạn đi qua khu vực dự kiến phát triển đô thị được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị.
- Xây mới cầu Thị Nại 2 song song về phía Bắc của cầu Thị Nại 1, xây mới cầu Bắc Thị Nại nối Đường ĐT 640 với đường trục chính của bán đảo Phương Mai; Xây dựng mới 01 cầu qua sông Hà Thanh kết nối Khu công nghiệp đô thị Becamex với Khu đô thị mới Becamax (Canh Vinh).
Quy hoạch giao thông đường thủy :
- Khu bến Nhơn Hội thuộc cảng biển Quy Nhơn có chức năng chuyên dùng, phục vụ trực tiếp cơ sở công nghiệp, dịch vụ, khả năng tiếp nhận tàu tải trọng đến 10.000 – 50.000 DWT, việc đầu tư xây dựng khu bến cảng theo quy hoạch chi tiết do Bộ Giao thông vận tải quy định.
- Xây mới bến du lịch Mai Hương có năng lực tiếp nhận tàu khách quốc tế sức chở đến 4.000 hành khách. Xây dựng mới các bến du thuyền Bắc Thị Nại tại Cát Tiến, khu vực bến neo đậu tàu thuyền nghề cá, khu vực cảng Nhơn Hội, Tân Thanh – Vĩnh Hội tại mỏm núi Bà vươn ra biển, tại Eo Gió – Nhơn Lý ở đầu núi Cấm, bến Nhơn Hải nâng cấp từ điểm neo đậu tàu thuyền thôn Nhơn Hải..
Giao thông đối nội khu kinh tế
- Xây dựng mới tuyến đường trục chính phía Tây bán đảo Phương Mai với một số đoạn trùng đường ĐT 639, lộ giới 45 – 65 m. Xây dựng mới tuyến đường cảng Nhơn Hội – Khu đô thị Phương Mai, đáp ứng nhu cầu vận tải đô thị, vận tải hàng hóa, mặt cắt ngang rộng 65 m.
- Hoàn thiện tuyến đường trục chính của Khu kinh tế (QL19B) với lộ giới 80 – 65 m và tuyến đường nối đi sân bay Phù Cát, đoạn đi qua đô thị Cát Tiến, lộ giới 60 m, quy mô 6 – 8 làn xe.
- Nâng cấp tuyến đường trục chính men cạnh phía đông Vịnh Mai Hương đến trung tâm Phân khu 05, lộ giới 20 – 30 m.
- Hoàn thiện các tuyến đường khu vực trong Khu công nghiệp Nhơn Hội, lộ giới 45 – 65 m. Xây dựng mới các tuyến đường chính, lộ giới 27 – 45 m và các tuyến đường khu vực lộ giới 17 – 25 m.
- Công trình đầu mối giao thông: Xây mới bến xe khách phía Bắc khoảng 2 ha tại đô thị Cát Tiến. Xây mới Bến xe tải phía Tây khoảng 4 ha đặt tại đô thị mới Becamax (Canh Vinh). Xây mới Bến xe hỗn hợp phía Nam (khoảng 4 ha) gần đầu cầu Thị Nại;
- Giao thông công cộng: Hình thành các tuyến xe buýt liên vùng, vận chuyển hành khách giữa Sân bay Phù Cát – Cảng Nhơn Hội – khu công nghiệp Becamex, qua trung tâm thành phố Quy Nhơn. Hình thành tuyến xe buýt trên bán đảo Phương Mai, nối giữa Bến xe phía Bắc và Bến xe Phía Nam.
Các dự án ưu tiên đầu tư trong khu kinh tế Nhơn Hội
- Các dự án đầu tư từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ : Hoàn thiện tuyến đường Phù Cát – Nhơn Hội; nâng cấp tuyến quốc lộ 19C.
- Các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác : Ổn định các khu dân cư phòng tránh lụt bão, giảm nhẹ thiên tai; hoàn thiện hệ thống nghĩa trang theo quy hoạch; hoàn thiện đường kết nối từ quốc lộ 1 đi Khu công nghiệp Becamex; nâng cấp tuyến đường ven Đầm Thị Nại; nâng cấp các nút giao chính của Khu kinh tế.
- Các dự án đầu tư theo mô hình đối tác công tư : Xây dựng, khai thác các bến xe khách, xe buýt, bến tàu phục vụ du lịch; xây dựng cảng biển Nhơn Hội và hậu cần cảng; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới một số tuyến đường giao thông đô thị; các dự án nhà ở xã hội; các khu đô thị mới Mai Hương, Cát Tiến, Nhơn Hội, Becamex; các khu du lịch, dịch vụ thể thao mang tính đặc thù; các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo tư nhân; xây dựng và khai thác trung tâm du lịch biển, công viên vui chơi giải trí; nhà máy xử lý nước thải tại các khu vực mới phát triển theo công nghệ hiện đại.
Xem thêm :