Bản đồ quy hoạch tỉnh Bắc Cạn đến năm 2035

Định hướng quy hoạch tỉnh Bắc Cạn đến năm 2035, Bắc Cạn trở thành một tỉnh miền núi phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, có an ninh chính trị ổn định, xã hội văn minh và đoàn kết các dân tộc vững chắc, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn, môi trường sống văn minh, hiện đại, giàu bản sắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày được nâng cao.

Bản đồ quy hoạch tỉnh Bắc Cạn định hướng đến năm 2035

Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng tỉnh Bắc Cạn đến năm 2035 với những nội dung chủ yếu sau:

Ranh giới lập quy hoạch vùng tỉnh Bắc Cạn

Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Cạn bao gồm toàn tỉnh Bắc Cạn trên phạm vi 8 đơn vị hành chính: 01 Thành phố (Bắc Kạn); 07 huyện (Chợ Mới, Chợ Đồn, Bạch Thông, Ngân Sơn, Ba Bể, Na Rì, Pác Nặm), với tổng số 122 xã, phường, thị trấn.

Ranh giới lập quy hoạch được giới hạn như sau:

  • Phía Đông giáp tỉnh Lạng Sơn.
  • Phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang.
  • Phía Nam giáp tỉnh Thái Nguyên.
  • Phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng.
Bản đồ quy hoạch tỉnh Bắc Cạn

Bản đồ hành chính tỉnh Bắc Cạn

Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 4.859,41 km2

Mục tiêu quy hoạch tỉnh Bắc Cạn

  • Cụ thể hóa mục tiêu quy hoạch chiến lược cấp quốc gia, quy hoạch vùng trung du miền núi phía Bắc, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Kạn.
  • Khai thác có hiệu quả mối quan hệ nội ngoại vùng, các thế mạnh về nông lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, năng lượng, khoáng sản, du lịch, văn hóa, sinh thái và cảnh quan nhằm tạo lập môi trường sống tốt, đáp ứng các nhu cầu vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững giữa đô thị và nông thôn.
  • Tạo cơ sở hình thành hệ thống đô thị, phân loại, phân cấp đô thị, xác định tính chất đô thị cải tạo, xây mới, nâng cấp… lựa chọn mô hình phát triển. Đề xuất phân bố không gian xây dựng công nghiệp, du lịch, hệ thống hạ tầng xã hội, và các điểm dân cư nông thôn, khu công nghiệp, du lịch… trong đó xác định các vùng động lực phát triển kinh tế – xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội theo hướng cân bằng và bền vững. Xác định khung hạ tầng kỹ thuật diện rộng, làm cơ sở cho việc kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia đi qua địa bàn tỉnh và lựa chọn quỹ đất hợp lý để phát triển đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, các khu chức năng khác trong vùng tỉnh.

Bản đồ quy hoạch tỉnh Bắc Cạn đến năm 2035

Mục tiêu và tính chất quy hoạch vùng tỉnh Bắc Cạn

  • Là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.
  • Là một trong những trung tâm du lịch quốc gia: Sinh thái, văn hóa, lịch sử, dân tộc vùng núi phía Đông Bắc, nổi bật với du lịch sinh thái Vườn Quốc gia hồ Ba Bể, khu di tích cách mạng ATK.
  • Là một trong những trung tâm kinh tế trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
  • Là đầu mối trung chuyển, giao lưu kinh tế – xã hội trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Mục tiêu phát triển vùng tỉnh Bắc Cạn

  • Phấn đấu trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; sẵn sàng đáp ứng sự phân công, hợp tác, chia sẻ liên kết về các động lực, cơ hội phát triển, mối quan hệ cung cầu cũng như trách nhiệm giải quyết các khó khăn và thách thức theo hướng hài hòa và bền vững.
  • Khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của tỉnh: Về phát triển công – nông – lâm nghiệp, công nghiệp – xây dựng; du lịch – dịch vụ để phát triển kinh tế.
  • Phát triển cân bằng giữa khu vực đô thị và nông thôn, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
  • Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; gắn phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ môi trường đảm bảo quốc phòng, an ninh và ổn định chính trị.

Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Bắc Cạn

  • Đến năm 2035 hệ thống đô thị của tỉnh Bắc Kạn phân bố hợp lý, tầng bậc, bao gồm 01 thành phố và các thị xã, thị trấn.
  • Thành phố Bắc Kạn sẽ trở thành đô thị loại II, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa khoa học kỹ thuật của tỉnh Bắc Kạn, một thành phố tạo sức lan tỏa ảnh hưởng đến các đô thị khác trong tỉnh và trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
  • Xây dựng đồng bộ và hiện đại hệ thống mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và xã hội của vùng tỉnh Bắc Kạn, tạo điều kiện cho các đô thị trong vùng phát huy vai trò là những hạt nhân tạo động lực thúc đẩy phát triển cho các khu vực xung quanh về kinh tế, văn hóa – xã hội.
  • Thực hiện tăng trưởng xanh với mức độ phát thải các-bon giảm dần, tiến tới tạo dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
  • Bảo vệ các vùng cảnh quan thiên nhiên, các vùng sản xuất, bảo vệ môi trường và sinh thái tự nhiên. Quy hoạch xây dựng phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, văn hóa và sắc thái đặc thù của từng vùng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Quy hoạch du lịch Bắc Cạn

Định hướng phát triển không gian du lịch tỉnh Bắc Cạn

  1. Hướng Nam – Bắc dọc theo Quốc lộ 3 (Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng) và các trục Quốc lộ 3C (Thái Nguyên – Định Hóa – Chợ Đồn – Ba Bể – Pác Nặm); Đường Hồ Chí Minh (Cao Bằng tới Mũi Cà Mau) và đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Chợ Mới – Bắc Kạn. Theo hướng này có thể khai thác hầu hết các tiềm năng du lịch của các huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Chợ Mới, Bạch Thông, Ngân Sơn và thành phố Bắc Kạn;
  2. Hướng Đông – Tây dọc theo Quốc lộ 279 (Quảng Ninh – Lạng Sơn – Bắc Kạn – Tuyên Quang – Hà Giang – Điện Biên) và trục Quốc lộ 3B nhằm khai thác tiềm năng du lịch của các huyện Na Rì, Ngân Sơn, Ba Bể và xa hơn là các huyện Chợ Đồn, Pác Nặm.

Định hướng phát triển cụm du lịch Ba Bể và vùng phụ cận

  • Đây là cụm trọng tâm cần ưu tiên đầu tư phát triển, bao gồm huyện Ba Bể, huyện Pác Nặm và một số xã của huyện Chợ Đồn. Tài nguyên du lịch chủ yếu của cụm là: Vườn Quốc gia Ba Bể, trọng tâm là Hồ Ba Bể với những cảnh quan hấp dẫn như hang, động, thác nước, đảo…; các bản nhà sàn ven hồ gắn với nghệ thuật dân gian đặc sắc hát then, đàn tính, múa khèn, nghề thủ công… và các lễ hội truyền thống.
  • Định hướng phát triển chính của cụm là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan thắng cảnh, nghiên cứu khoa học, du lịch cộng đồng, du lịch tìm hiểu văn hóa bản sắc, du lịch mạo hiểm, du lịch mua sắm….

Cụm du lịch thành phố Bắc Kạn và vùng phụ cận

  • Bao gồm thành phố Bắc Kạn, huyện Chợ Mới và huyện Bạch Thông, tài nguyên du lịch chủ yếu là: Hồ sinh thái Nặm Cắt, Đền Mẫu, Đền Cô, Thác Bạc, động Áng Toòng (thành phố Bắc Kạn); Đền Thắm, chùa Thạch Long, đền Thác Giềng (huyện Chợ Mới); di tích Nà Tu, di tích lịch sử Đồn Phủ Thông, Thác Roọm (huyện Bạch Thông); di tích lịch sử Chiến thắng Đèo Giàng.…
  • Đây là cụm du lịch nằm ở trung tâm, tiếp nhận và phân phối khách đi các cụm, khu điểm du lịch khác, định hướng phát triển chính của cụm là các dịch vụ lưu trú, du lịch thương mại, vui chơi giải trí, tham quan, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, về nguồn, du lịch tâm linh…

Phát triển cụm du lịch An toàn khu Chợ Đồn và phụ cận

  • Bao gồm huyện Chợ Đồn, tài nguyên du lịch chủ yếu là: Các di tích lịch sử thuộc An toàn khu; Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc; di tích Tời quặng núi Phja Khao; đền Tiên Sơn…
  • Định hướng phát triển chính của cụm là du lịch lịch sử, văn hóa, giáo dục truyền thống, về nguồn…

Định hướng phát triển cụm du lịch Na Rì và phụ cận

  • Bao gồm huyện Na Rì và huyện Ngân Sơn. Tài nguyên du lịch chủ yếu là: Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, động Nàng Tiên (huyện Na Rì); thác Nà Khoang, hồ Bản Chang (huyện Ngân Sơn); các tài nguyên du lịch nhân văn khác như: Hội chợ Văn hóa truyền thống Xuân Dương, lễ hội Lồng tồng Bằng Vân…
  • Định hướng phát triển chính của cụm là du lịch sinh thái, tham quan và du lịch lịch sử, văn hóa…

Các khu du lịch trọng tâm tại Bắc Cạn

  • Khu du lịch Quốc gia: Khu du lịch Ba Bể trọng tâm của tỉnh được ưu tiên số 1 (với hơn 20 điểm tham quan du lịch và nhiều di sản phi vật thể).
  • Khu du lịch địa phương: An toàn khu Chợ Đồn (gồm 25 di tích lịch sử cách mạng); khu du lịch sinh thái Nặm Cắt (thành phố Bắc Kạn); Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (huyện Na Rì).
  • Thác Bạc, động Áng Toòng (Thành phố Bắc Kạn); động Nàng Tiên (huyện Na Rì); thác Nà Khoang (huyện Ngân Sơn); Thác Roọm (huyện Bạch Thông).
  • Đền Thắm, chùa Thạch Long (huyện Chợ Mới); đền Thác Giềng, Đền Mẫu, Đền Cô (thành phố Bắc Kạn);
  • Di tích lịch sử Nà Tu, di tích lịch sử đồn Phủ Thông, di tích lịch sử Chiến thắng Đèo Giàng.

Xem thêm : Quy hoạch phát triển vùng Tây Bắc Bộ

Từ khóa: , , ,