Bản đồ quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050

BẢN ĐỒ QUY HOẠCH VÙNG THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Phạm vi Vùng Thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 09 tỉnh xung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang

Tính chất xây dựng vùng thủ đô Hà Nội

  • Là vùng phát triển kinh tế tổng hợp, có Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; có ý nghĩa quốc tế quan trọng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
  • Là vùng có môi trường sống và môi trường cảnh quan phong phú, giàu tính văn hóa – xã hội, mang đậm bản sắc dân tộc với xu hướng phát triển hiện đại.
  • Là vùng đầu mối tập trung hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật quốc gia; có vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng.
Trục hành lang Mỹ Đình đến Nội Bài

Trục hành lang giao lưu Mỹ Đình đến Nội Bài

Định hướng phát triển thủ đô Hà Nội và các vùng xung quanh

Định hướng phát triển thủ đô Hà Nội

Hà Nội với vị thế Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị, hành chính của quốc gia; là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Phát huy vai trò là trung tâm động lực chính, đầu mối liên kết quản lý, kinh doanh, nghiên cứu và phát triển kinh tế – xã hội, tập trung hình thành các trung tâm thương mại tài chính lớn của quốc gia (Trung tâm tài chính Bắc Sông Hồng; Trung tâm hội chợ; Trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa Tây Hồ Tây…), các khu nghiên cứu – đào tạo công nghệ cao (Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc…); Trung tâm văn hóa – lịch sử lớn (Hoàng Thành Thăng Long; Vườn Quốc gia Ba Vì…); đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Thủ đô Khoảng từ 65 – 70%.

Bản đồ quy hoạch định hướng phát triển không gian vùng thủ đô Hà Nội

Bản đồ quy hoạch định hướng phát triển không gian vùng thủ đô Hà Nội

Định hướng phát triển tỉnh Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc được quy hoạch phát triển kinh tế tổng hợp về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp sinh thái gắn với các đầu mối giao thông quan trọng của khu vực phía Bắc và cả nước; tăng cường phát triển các chức năng về thương mại, trung chuyển hàng hóa (logistics tại Bình Xuyên, Tân Tiến – Vĩnh Tường…), du lịch sinh thái nghỉ dưỡng (Tam Đảo – Tây Thiên, Tam Đảo 2, Đại Lải, Đầm Vạc, hồ Sáu Vó, Vân Trục…), y tế và đào tạo chất lượng cao (Khu đô thị đại học Vĩnh Phúc)…; đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa Khoảng từ 63 – 68%.

Định hướng phát triển tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh phát triển kinh tế tổng hợp về dịch vụ, du lịch văn hóa, công nghiệp, tập trung vào kinh tế tri thức (giáo dục – đào tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ), trung tâm y tế – nghỉ dưỡng của Vùng; tăng cường phát triển các chức năng về thương mại (Trung tâm thương mại Bắc Ninh, logistics cấp Vùng…), du lịch văn hóa – lịch sử (thành phố Bắc Ninh, Từ Sơn, chùa Phật Tích, núi Dạm, hành lang sông Cầu…), đào tạo công nghệ cao (Yên Phong)…; đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa Khoảng từ 55 – 60%.

Định hướng phát triển tỉnh Hải Dương

Hải Dương phát triển về y tế và giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, du lịch (Côn Sơn – Kiếp Bạc, Kinh Môn…), dịch vụ đô thị và công nghiệp (nguồn nhân lực qua đào tạo, dịch vụ tiếp vận, hậu cần cảng…) phía Đông của Vùng Thủ đô Hà Nội và Vùng đồng bằng sông Hồng; đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa Khoảng 55 – 60%.

Định hướng phát triển tỉnh Hưng Yên

Hưng Yên phát triển về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm cấp vùng về giáo dục đào tạo (khu đô thị đại học Phố Hiến), dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp (Phù Cừ, Tiên Lữ, Yên Mỹ…) và dịch vụ trung chuyển hàng hóa (Lạc Đạo, Bô Thời – Dân Tiến) phía Đông Nam của Vùng Thủ đô Hà Nội; đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa Khoảng 50 – 55%.

Sơ đồ định hướng không gian vùng Thủ Đô Hà Nội

Sơ đồ định hướng không gian vùng Thủ Đô Hà Nội đến 2050

Định hướng phát triển tỉnh Hà Nam

Hà Nam phát triển về y tế và giáo dục đào tạo (Khu đô thị đại học Nam Hà Nội), du lịch quốc gia (Tam Chúc – Ba Sao, Kim Bảng…), dịch vụ trung chuyển hàng hóa (logistics tại Đồng Văn) phía Nam của Vùng Thủ đô Hà Nội; có vai trò cửa ngõ quan trọng của Vùng đối với các tỉnh phía Nam của Vùng đồng bằng sông Hồng; đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa Khoảng 47 – 52%.

Định hướng phát triển tỉnh Hòa Bình

Hòa Bình đóng vai trò là vùng sinh thái, bảo vệ môi trường, đảm trách những chức năng chính về hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, liên vùng (cấp điện, cấp nước, Điều Tiết lũ, bảo vệ nguồn nước…); bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (văn hóa Mường, Thái, Dao…); phát triển các trung tâm du lịch – đô thị dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng (hồ Hoà Bình, Mai Châu, Lương Sơn, Kỳ Sơn, Kim Bôi…); đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa Khoảng 43 – 48%.

Định hướng phát triển tỉnh Phú Thọ

Phú Thọ phát triển các vùng du lịch văn hóa di sản, du lịch sinh thái (Đền Hùng, Xuân Sơn…), dịch vụ thương mại cửa ngõ phía Tây Bắc của Vùng (logistics tại thành phố Việt Trì)…; đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa Khoảng 48 – 53%.

Định hướng phát triển tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên phát triển về y tế, giáo dục đào tạo chất lượng cao cho Vùng Thủ đô Hà Nội và toàn quốc, du lịch quốc gia (hồ Núi Cốc, ATK…), công nghiệp công nghệ cao tại khu vực phía Nam của tỉnh, sản xuất các sản phẩm nông lâm nghiệp chất lượng cao tại các huyện phía Bắc của tỉnh.

Là trung tâm phát triển kinh tế, văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế, du lịch, dịch vụ của Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa Khoảng 45 – 50%.

Định hướng phát triển tỉnh Bắc Giang

Bắc Giang là cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận – trung chuyển hàng hóa của Vùng Thủ đô Hà Nội với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), phát triển du lịch (Tây Yên Tử, Hồ Khuôn Thần, Hồ Cấm Sơn…), sản xuất các sản phẩm nông lâm nghiệp chất lượng cao tại các huyện phía Đông của tỉnh; là đầu mối kinh doanh – thương mại quan trọng của Vùng với các tỉnh Đông Bắc của Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc; đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa Khoảng 40 – 45%.

Bản đồ sử dụng đất vùng thủ đô Hà Nội

Bản đồ sử dụng đất vùng thủ đô Hà Nội

Xem thêm : Bản đồ sân bay Nội Bài

Từ khóa: , , , , ,