Mới đây tại cuộc thi FuturArc Green Leadership Award 2020 thì Làng Mít đã suất sắc dành được giải thưởng. Đây là một công trình mang đậm phong cách địa phương, khai thác tận dụng các yếu tố thiên nhiên một cách tối đa, mang đến sự hài hòa và thân thiện. Một trong những thiết kế nổi bật đầy mới lạ của văn phòng kiến trúc 1+1>2 Architects.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Thông tin Homestay Làng Mít
- Tên công trình : Làng Mít
- Địa điểm : Làng Trầm Lăng, xã Đồng Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội
- Diện tích khu đất : 17.000m2
- Tổng diện tích sàn xây dựng : 1.598m2
- Chiều cao công trình : 2 tầng
- Tổng số phòng : 30 phòng
- Hoàn thành : 18/8/2019
- Chủ đầu tư : Trần Mạnh Hùng
- Thiết kế kiến trúc : 1+1>2 Architects
- Kiến trúc sư trưởng : Hoàng Thúc Hào
- Thiết kế kết cấu : Nguyễn Hồng Chương
- Thiết kế cơ điện : Lê Xuân Vương
- Thiết kế cảnh quan : Vương Đạo Hoàng
- Tư vấn công trình xanh : Lê Đình Hùng
- Hình ảnh : Sơn Vũ, Đường Văn Mạnh
Ý tưởng thiết kế Làng Mít
Ý tưởng thiết kế chủ đạo là lấy nhà thiền ở trung tâm làm hạt nhân của công trình. Đây sẽ vừa là không gian thiền, vừa là không gian sinh hoạt cộng đồng. Nương theo hệ thống cây xanh sẵn có tại đây, các KTS đã tận dụng được tối đa bóng mát cho các khu vực sân chung đồng thời tạo ra các sân chơi xen kẽ nhau.
Với yêu cầu tạo ra một công trình dựa trên các yếu tố có sẵn, đây được coi là một thách thức lớn với đội ngũ thiết kế. Giải pháp thiết kế được đưa ra là sử dụng triệt để công nghệ và vật liệu xây dựng truyền thống tạo ra một công trình tiện nghi với đầy đủ công năng, tôn trọng sinh thái và không làm mất đi yếu tố bản địa.
Vật liệu thiết kế Làng Mít thân thiện môi trường
Các loại vật liệu địa phương thân thiện với môi trường như gỗ, tre, lá cây, gạch đất và mái lá được sử dụng một cách hiệu quả tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc cổ điển và kiến trúc hiện đại. Hình thức mái được vuốt mượt và uốn cong hướng xuống mặt đất tạo nên một điểm nhấn đặc sắc cho ngôi nhà.
Ngoài ra, các KTS đã sử dụng gạch đất không nung giúp giảm tối đa bức xạ nhiệt. Tre và lá cọ được mua và xử lí tại chỗ giúp giảm thời gian và chi phí vận chuyển.
Không gian sống được sắp xếp theo địa hình và thảm thực vật. Các tòa nhà được sắp xếp xen kẽ với các không gian đặc và rỗng tạo nên một tổng thể hài hòa.
Mô hình khép kín trong homestay Làng Mít
Không chỉ đáp ứng về nhu cầu thẩm mĩ, mô hình nông nghiệp hữu cơ VAC (là từ viết tắt của vườn, ao, chuồng) được sử dụng đã góp phần cung cấp dồi dào thực phẩm sạch và hữu cơ cho công nhân và người sử dụng trong toàn bộ quá trình xây dựng và vận hành công trình.
Hệ thống xử lí nước thải cho tưới tiêu và nhà vệ sinh được sử dụng là bể tự hoại 5 khoang và công nghệ đầm lầy. Tất cả đã tạo nên một chu trình khép kín có thể tự cung tự cấp, tái tạo và duy trì trong một thời gian dài.
Tận dụng yếu tố địa hình cũng như hiện trạng sẵn có của khu đất, sàn nhà được các KTS thiết kế cao hơn mặt đất vừa đảm bảo không bị che khuất tầm nhìn từ bên trong nhà ra hồ nước, vừa giúp chống nồm, chống mối và đảm bảo thoát nước mặt tự nhiên.
Thật không quá khi nói rằng Làng Mít chính là một thiên đường kiến trúc xanh – nơi ranh giới giữa thiên nhiên và con người hoàn toàn bị phá bỏ. Đồng thời, với những giải pháp kiến trúc đầy mới lạ, 1+1 >2 Architects đã sáng tạo nên một hình ảnh làng quê Việt Nam đầy tươi mới nhưng vẫn vẹn nguyên những giá trị cốt lõi của nó.
Xem thêm : Các thiết kế kiến trúc đẹp