Bản đồ quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2030

VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM BẮC BỘ

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm những tỉnh nào ?

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (bao gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh)

Vùng kinh tế trọng điểm phía bắc

Các đầu mối giao thông của vùng kinh tế trọng điểm

  • Hàng không có sân bay Nội Bài, sân bay Cát Bi, sân bay Vân Đồn (quốc tế dự bị cho Nội Bài)
  • Đường bộ: Quốc lộ 1A, quốc lộ 5, quốc lộ 18, Quốc lộ 38, đường cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, đường cao tốc Láng – Hòa Lạc, đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài, đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long – Móng Cái.
  • Cảng: Cảng Hải Phòng, Cảng Lạch Huyện, Hải Phòng và cảng Cái Lân, Quảng Ninh là một trong những cụm cảng nước sâu hàng đầu cả nước. Trong tương lai gần, một dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 15 tỷ USD phát triển đô thị và cảng container tại Quảng Ninh do các tổng công ty và tập đoàn trong nước (ban đầu là Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Vinashin) với năng lực ước tính khoảng 100 triệu tấn/năm, có thể đón tàu có tải trọng trên 100.000 tấn cập cảng.
Sân bay quốc tế Vân Đồn

Sân bay quốc tế Vân Đồn Quảng Ninh

Vai trò của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

  • Đây là vùng trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ của cả nước. Với các cơ quan Trung ương, các trung tâm điều hành của nhiều tổ chức kinh tế lớn, cơ sở đào tạo, nghiên cứu và triển khai khoa học công nghệ của quốc gia, đang và sẽ tiếp tục giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của cả nước.
  • Là vùng hạt nhân phát triển, lãnh thổ động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng; là một trong những vùng dẫn đầu về phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững của cả nước. Có tiềm năng lớn về du lịch với hệ thống các trung tâm y tế chuyên sâu, đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học trình độ cao, giữ vai trò quyết định trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chiến lược phát triển kinh tế vùng

  1. Phát triển kinh tế – xã hội của Vùng phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội cả nước, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, phù hợp với quy hoạch phát triển các ngành và lĩnh vực của cả nước. Tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ, tạo sức lan tỏa tác động tích cực tới phát triển kinh tế – xã hội các vùng và cả nước.
  2. Phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, là đầu tàu kinh tế, dẫn đầu khu vực miền Bắc và cả nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển nền kinh tế tri thức, đồng thời đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp xanh phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
  3. Phát huy vai trò dẫn đầu cả nước về ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại vào sản xuất và quản lý. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học – công nghệ trong các lĩnh vực có thế mạnh, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản để khoa học công nghệ thực sự là động lực cho phát triển của Vùng. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho các ngành, lĩnh vực phát triển chủ lực của Vùng trong quá trình hội nhập.
  4. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa – xã hội, gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa và thiên nhiên, đầu tư phát triển thể dục, thể thao, các nhu cầu an sinh và trật tự an toàn xã hội.
  5. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng – an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia trong quá trình hội nhập và phát triển.

Quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm bắc bộ

Định hướng phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2030

Tầm nhìn

  • Tiếp tục phát huy vai trò là vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, tốc độ phát triển tăng trưởng cao và bền vững, đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức và thực hiện các mũi đột phá trong phát triển kinh tế của cả nước.
  • Là vùng kinh tế động lực đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, dịch vụ, du lịch tầm quốc tế; dẫn đầu cả nước về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và thể dục thể thao, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
  • Có cơ cấu phân bố, tổ chức không gian sản xuất và phát triển đô thị hợp lý, là chùm đô thị lớn với chức năng đô thị tổng hợp cấp quốc gia, trong đó thành phố Hà Nội là trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ.
  • Bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, an ninh và trật tự xã hội, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân.

Định hướng phát triển không gian

Phát triển hệ thống đô thị

  • Tạo sự liên kết mang tính hệ thống giữa các đô thị trung tâm trong vùng, gồm hai thành phố trực thuộc Trung ương; hình thành cơ cấu đô thị hạt nhân, đô thị vệ tinh hợp lý nhằm tạo động lực để phát triển các khu vực xung quanh, đồng thời giảm áp lực cho khu vực trung tâm các thành phố Hà Nội và Hải Phòng.
  • Phát triển các đô thị: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hạ Long, Hải Dương đóng vai trò là các cực phát triển trong hệ thống đô thị của Vùng.
  • Phát triển các đô thị vệ tinh: Sơn Tây, Từ Sơn, Xuân Mai, Chí Linh, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái. Phát triển các hành lang đô thị từ thành phố Hà Nội tỏa đi các hướng và gắn kết với các tuyến hành lang, nhất là các trục cao tốc và các quốc lộ trong Vùng.
  • Phát triển các thị trấn huyện lỵ nằm ngoài ranh giới 50 km từ trung tâm thành phố Hà Nội và các cực phát triển, tạo điều kiện để phát triển khu vực nông thôn.
Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Cầu Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh

Phát triển nông thôn

  • Tổ chức lại các điểm dân nông thôn bảo đảm mỹ quan, môi trường, an toàn giao thông. Quy hoạch cải tạo và xây dựng các làng nghề theo hướng phát triển bền vững.
  • Thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới gắn kết chặt chẽ với các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Huy động tổng hợp các nguồn lực, nhất là sự tham gia của nhân dân vào xây dựng nông thôn mới;
  • Hình thành các trung tâm dịch vụ nông thôn; xây dựng các tuyến, cụm dân cư nông thôn có cơ sở hạ tầng đồng bộ đạt tiêu chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; củng cố và xây dựng hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tầu cá và công trình kết cấu hạ tầng nông thôn.

Phát triển các tiểu vùng

Không gian phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm hai tiểu vùng, tiểu vùng Thủ đô Hà Nội và tiểu vùng duyên hải.

  1. Tiểu vùng Thủ đô Hà Nội: Bao gồm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Bố trí các trung tâm thương mại, dịch vụ cấp vùng bao gồm các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế chất lượng cao, các trung tâm triển lãm, hội chợ, thể dục thể thao… Tập trung hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, khu nông nghiệp kỹ thuật cao, các trung tâm nghiên cứu – chuyển giao công nghệ. Xây dựng các vùng lúa, cây ăn quả (nhãn, vải, cam, chanh, chuối…) chất lượng cao.
  2. Tiểu vùng duyên hải ven biển: Gồm thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh (kể cả khu vực biển, ven biển và hải đảo). Có triển vọng phát triển nhanh và năng động, với các trung tâm thương mại, dịch vụ tại các đô thị lớn trong tiểu vùng; xây dựng các khu du lịch mang tầm cỡ vùng và quốc gia gắn với du lịch sinh thái các vườn quốc gia Cát Bà (Hải Phòng), Bái Tử Long, Hạ Long, Vân Đồn, Trà Cổ (Quảng Ninh); đẩy mạnh phát triển nông lâm nghiệp, trồng và bảo vệ rừng. Nâng cao giá trị và chất lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản, phát triển công nghiệp chế biến thủy sản gắn với xuất khẩu.

 Phát triển các lãnh thổ đặc biệt

  1. Phát triển kinh tế biển: Triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phát triển mạnh kinh tế biển, nâng cao đóng góp của kinh tế biển vào phát triển kinh tế – xã hội của Vùng. Xây dựng khu vực ven biển trở thành “vùng kinh tế mở”, hướng ngoại được đẩy mạnh. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển trên cơ sở hợp tác cùng có lợi với bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
  2. Các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu: Tiếp tục đầu tư phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định ưu tiên đầu tư trở thành một trong những khu vực trọng điểm kinh tế, gắn với củng cố an ninh, quốc phòng trên địa bàn Vùng. Nghiên cứu xây dựng và phát triển khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và khu kinh tế Vân Đồn trở thành trung tâm liên kết Vùng và đầu mối quan trọng trên tuyến hành lang ven biển thông thương với Trung Quốc.

 Xem thêm : Quy hoạch phát triển kinh tế vùng Tây Bắc Bộ => XEM TẠI ĐÂY

 

Từ khóa: , , , , , ,